Nhắc đến thủ tục hành chính, một trong những vấn đề sát sườn nhất được người dân quan tâm, đó là thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, hay gọi tắt là “Sổ đỏ”.

Nghị quyết 7 năm 2007 của Quốc hội đặt ra mục tiêu đến năm 2010 cả nước hoàn thành cấp giấy chứng nhận (GCN) đối với tất cả các loại đất. Tuy nhiên, năm 2010 đã hết, và hiện vẫn còn trên 40% đất chuyên dùng, trên 30% đất ở đô thị, trên 20% đất ở nông thôn chưa được cấp giấy chứng nhận… Thực tế, để có được một tấm giấy chứng nhận trên, người dân vẫn phải mướt mồ hôi và hành trình này không hề đơn giản.

“6 năm bị găm sổ đỏ”- đó là câu chuyện của gia đình ông bà Hồ Trí Huệ và Phan Thị Túy ở nhà số 6 ngõ 46 phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tháng 8/2005, cùng với 33 hộ dân khác, ông bà Huệ nhận được giấy hẹn đi nộp thuế trước bạ để nhận sổ đỏ. Tưởng rằng, nộp xong nghĩa vụ thuế cho nhà nước, ông bà có thể yên tâm nhận sổ đỏ. Nhưng thực tế lại khác. Do cán bộ địa chính phường và quận ghi nhầm diện tích sử dụng chung gộp thành diện tích sử dụng riêng nên gia đình ông Huệ phải làm đơn đính chính lại diện tích làm sổ đỏ.

Bà Phan Thị Tuý, vợ ông Huệ kể: “Suốt từ đó đến nay, chúng tôi đã gõ cửa rất nhiều cơ quan chức năng để giải quyết nhưng đến giờ này vẫn chưa nhận được sổ đỏ của mình mặc dù chúng tôi đã được cấp. Chúng tôi thấy quá mệt mỏi. Chúng tôi là những cán bộ làm khoa học kỹ thuật, làm việc rất có trách nhiệm và muốn mọi việc giải quyết một cách nghiêm minh theo pháp luật. Chúng tôi rất bức xúc vì chính quyền sở tại chưa quan tâm đến người dân”.

6 năm để được cấp sổ đỏ, con số đấy không phải là ít nhưng cũng không phải là nhiều. Thậm chí, có người mất 10 năm vẫn chưa được cầm tấm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất. Những khó khăn của người dân trong quá trình làm thủ tục nhà đất cũng là nguyên nhân làm cho dịch vụ này rở rộ và làm ăn phát đạt trong thời gian qua.

Thử tìm kiếm bằng công cụ Google với dòng chữ “Dịch vụ làm sổ đỏ”, chúng tôi đã nhận được khoảng 590.000 kết quả. Liên hệ với một Trung tâm tư vấn làm dịch vụ sổ đỏ ở Hà Nội với đề nghị xin cấp giấy chứng nhận cho thửa đất 29,5m2, nghĩa là gần đủ diện tích tối thiểu để cấp sổ đỏ là 30m2, một nhân viên ở đây khuyên chúng tôi thế này: “Nhà mình nên ra phường, gọi nhân viên địa chính đi uống nước, bảo họ đo thêm diện tích cho đủ 30m2, nghĩa là hợp thức hoá thửa đất. Như thế thì thuận tiện hơn. Dịch vụ này chỉ khoảng mấy triệu thôi mà”.

Lý giải về nguyên nhân “ách tắc” trong quá trình làm “Sổ đỏ”, có người cho rằng, đó là do bộ máy nhân lực làm công tác địa chính ở địa phương còn thiếu, trình độ có hạn, hồ sơ giấy tờ nhà đất phức tạp, trang thiết bị phục vụ công việc còn thiếu, trình độ hiểu biết về luật pháp của người dân chưa cao…

Theo ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội, việc buông lỏng quản lý đất đai của chúng ta kéo dài trong nhiều năm gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân. Bên cạnh đó, ông Phan Cừ nhấn mạnh, bộ máy của chúng ta cũng còn có nhiều vấn đề. Bộ máy với những con người mà cũng với một sự việc đó, với người này thì xử lý ngon lành nhưng với người khác lại không ngon lành.

Nó là một cái gì đó không phải từ luật pháp. Ông Cừ nói: “Như chúng ta biết, có khi sổ đỏ được cấp và ký nhưng cán bộ địa chính vẫn găm giữ lại trong tủ. Đáng lẽ, nếu gặp khó khăn, cán bộ địa chính phải trình cán bộ có thẩm quyền nhưng họ lại chưa trình ngay. Hoặc các cơ quan được thẩm quyền cấp sổ đỏ cũng chưa làm đến nơi, đến chốn nên dẫn đến tình trạng người dân kêu ca về quá trình làm sổ đỏ”.

 Nghị quyết 7 năm 2007 của Quốc hội đặt ra phấn đấu đến năm 2010 cả nước hoàn thành cấp giấy chứng nhận (GCN) đối với tất cả các loại đất. Tuy nhiên, năm 2010 đã hết, và hiện vẫn còn trên 40% đất chuyên dùng, trên 30% đất ở đô thị, trên 20% đất ở nông thôn chưa được cấp giấy chứng nhận.

Theo Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, số chưa được cấp giấy chứng nhận phần lớn đều do trường hợp còn tồn đọng có nguồn gốc phức tạp hoặc vi phạm pháp luật đất đai. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận cũng còn nhiều phiền hà, sách nhiễu...Mặc dù, ngành địa chính đã có những cải cách theo hướng “một cửa” nhưng xem ra, câu chuyện làm sổ đỏ của người dân vẫn sẽ là chặng đường đầy khó khăn, gian khổ khi đâu đó vẫn còn góc khuất, đâu đó vẫn còn những cán bộ chưa thật sự mẫn cán.

Theo một số chuyên gia trong ngành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ minh bạch hơn khi luật pháp phải rõ ràng, thậm chí cả dịch vụ làm sổ đỏ cũng cần được đưa vào diện quản lý chứ không để tình trạng bát nháo như hiện nay./.