Tăng thêm mức độ an toàn cho hệ thống ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nhằm tăng cường an toàn trong hoạt động ngân hàng, theo quy định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 1 đến hết tháng 9 năm 2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn được dùng cho vay dài hạn là 40%.

Từ tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ này còn là 37%; Từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022 là 34% và từ tháng 10/2022 là 30%.

Bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

vov_bat_dong_san_2019_kdkj_rqhx.jpg
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục "siết" tín dụng vào bất động sản.

Các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.

Tỉ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là quy định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngân hàng bởi tỷ lệ cho vay so với huy động của các ngân hàng đang ở mức khá cao.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 9 tỷ lệ huy động/cho vay của toàn hệ thống ngân hàng vẫn còn 88,13%. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là 91,47%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần 84,61%.

Hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản lên 200%

Cùng với việc giảm sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục "siết" cho vay bất động sản, hạn chế nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản hướng tới ưu tiên cho khu vực sản xuất. 

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính - ngân hàng nhận định, thị trường vốn cho bất động sản của Việt Nam vẫn yếu. Nếu thị trường bất động sản chỉ dựa vào nguồn vốn như hiện tại là rủi ro cho ngân hàng, cho tài chính, cho nền kinh tế Việt Nam.

“Chúng ta cần phải dựa vào những nguồn vốn đa dạng của nhà đầu tư, quỹ đầu tư, đầu tư nước ngoài… Các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải minh bạch tài chính để niêm yết trên thị trường chứng khoán, hướng tới huy động nhiều hơn nữa nguồn vốn từ thị trường này. Có như vậy mới bù đắp được nguồn vốn lâu nay vẫn phụ thuộc và tín dụng ngân hàng” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Siết tín dụng sẽ đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng nhưng cũng sẽ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là người thu nhập thấp khi không được hỗ trợ lãi suất khi mua nhà, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm.

Mặc dù các ngân hàng siết cho vay bất động sản, tín dụng chảy thị trường vẫn tăng khá nhanh trong 8 tháng năm 2019. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế./.