Thảo luận tại tổ sáng nay (18/11), nhiều đại biểu cho rằng Luật Xây dựng (sửa đổi) có nhiều quy định rườm rà, phức tạp nhưng lại vẫn có những kẽ hở cho đội vốn, thất thoát, chậm tiến độ, thậm chí giới đầu cơ còn có thể lợi dụng để xâm lấn các biệt thự cổ, mai một nét văn hóa phố cổ và làm phá vỡ mật độ dân cư.
Thiếu quy chế bảo tồn phố cổ
Đại biểu Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật xây dựng (sửa đổi) lần này vẫn chưa đủ chế tài cho việc bảo tồn những nét văn hóa phố cổ của một số tỉnh trên địa bàn toàn quốc.
Đại biểu Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội) |
Hiện nay có 3 địa điểm cần phải bảo tồn cấp 1 thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thành phố Hội An và thành phố Huế, tuy nhiên trong luật này chưa có quy định cụ thể để có thể vừa bảo tồn, giữ được vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân.
“Ví như đối với người dân khu vực Hoàn Kiếm (Hà Nội), bây giờ muốn sửa chữa, cải tạo nhà ở là điều rất khó khăn. Nhiều nhà đã phải sống hàng mấy chục năm nay không có ánh sáng tự nhiên, thậm chí vẫn còn có những nhà sử dụng những loại hố xí hai ngăn mà không thể và không được phép cải tạo”, đại biểu Đào Thanh Hải nêu ý kiến.
“Bộ luật này cần phải điều chỉnh để làm sao tạo điều kiện cho người dân nhưng đồng thời vẫn giữ được nét văn hóa phố cổ. Bộ Xây dựng có thể phối hợp với các địa phương xây dựng ra 5-7 mẫu thiết kế nhà theo đúng tiêu chuẩn phố cổ để cho người dân dựa vào đó và được phép sửa chữa, miễn làm sao sau khi xây dựng xong, chúng ta vẫn nhìn thấy những nét phố cổ”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.
“Nếu như chúng ta xây dựng được bộ khung tiêu chuẩn và có thiết kế mẫu, tôi cho rằng người dân rất ủng hộ và cũng có thể minh bạch trong việc này. Còn hiện nay hoàn toàn không minh bạch. Nếu người nào có điều kiện, có quan hệ thì có thể xây dựng được, nếu không có thì sẽ khó khăn”, đại biểu Đào Thanh Hải chỉ rõ.
“Xung quanh vấn đề bảo tồn phố cổ, Bộ Luật xây dựng cần phải có trách nhiệm rất lớn trong việc điều chỉnh để chúng ta giữ được những nét văn hóa của Việt Nam”, đại biểu Đào Thanh Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu Đào Thanh Hải, việc bảo tồn các biệt thự cổ của Hà Nội cũng là một vấn đề vô cùng nóng bỏng.
Hiện nay không có một cơ chế chính sách cụ thể nào trong việc bảo tồn phố cổ, trong khi đó chỉ quy định chung là phải bảo tồn, phải giữ nguyên, không được sửa chữa, không cơi nới xây dựng…
Tuy nhiên, đại biểu Đào Thanh Hải cũng nêu thực tế hiện nay nhiều chủ xây dựng theo dạng đầu cơ, tìm mọi cách người ta phá hỏng biệt thự và đưa nó vào tình trạng nguy cấp cấp 3 cần phải sửa chữa. Từ đó, phá cả biệt thự đi xây thêm tòa cao ốc, khiến mật độ dân cư thay đổi.
“Việc bảo tồn các biệt thự cổ Hà Nội là một vấn đề hết sức nhạy cảm và vô cùng khó khăn và có nhiều uẩn khúc. Ngay các cấp chính quyền cũng rất khó khăn trong việc quản lý. Đấy là vấn đề mà Luật xây dựng cần phải điều chỉnh”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Rườm rà, phức tạp nhưng vẫn có kẽ hở cho thất thoát, đội vốn…
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), Luật Xây dựng hiện nay vẫn còn rườm rà, phức tạp nhưng vẫn có những kẽ hở cho việc thất thoát, đội vốn, chậm tiến độ và chất lượng công trình không đảm bảo.
“Có một nghịch lý rất đáng suy nghĩ. Đó là công nghệ xây dựng ngày càng cao hơn, chất lượng vật liệu xây dựng ngày càng tốt hơn, người làm trong ngành xây dựng ngày càng giỏi hơn nhưng tuổi thọ công trình xây dựng thì lại ngắn hơn, thậm chí rất ngắn”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu vấn đề.
“Những công trình như Nhà hát lớn hay hàng trăm biệt thự Pháp của Hà Nội sừng sững hàng trăm năm qua đặt ra một câu hỏi. Tại sao hiện nay chúng ta có quá nhiều công trình chưa quyết toán, chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Đây là vấn đề mà tôi nghĩ rằng Luật Xây dựng cũng phải có phương án để giải đáp”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, Luật Xây dựng có rất nhiều quy định liên quan ngành GTVT. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị với những công trình lớn, quy hoạch lớn, cần có quy định chặt chẽ, tránh xé lẻ làm phá đi quy hoạch.
“Tôi mong muốn vùng nào là vùng lõi mật độ nhà cửa nhiều, chúng ta có thể bớt thay đổi vì mỗi lần thay đổi bên trong là sẽ ảnh hưởng kinh phí rất tốn kém, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đền bù nhà cửa… Còn trong khi khu mới mật độ xây dựng còn rất thấp, chúng ta hoàn toàn có thể biến khu mới thành những khu đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, để làm sao hình thành nên sẽ có vùng lõi là vùng cổ, và vùng mới là vùng hiện đại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu ý kiến.
“Nên chăng, luật quy hoạch phải có những quy định để chính quyền địa phương, nhất là hội đồng nhân dân các địa phương xác định vùng lõi như thế nào để ứng xử vùng lõi”, Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị./.Cận cảnh biệt thự cổ chờ phục dựng đang trở thành phế tích