Số liệu báo cáo quý mới nhất của công ty Cushman & Wakefield Vietnam (một trong những công ty tư nhân hàng đầu về cung cấp dịch vụ bất động sản) đưa ra dự đoán năm 2013, thị trường Hà Nội sẽ có nguồn cung mới từ 17 dự án sẽ gia nhập thị trường. Nguồn cung tiếp tục vượt xa nguồn cầu vì vậy giá bán được dự báo tiếp tục theo xu hướng giảm trong năm 2013 tại cả hai thị trường hà Nội và TP HCM.
Hà Nội: Nhiều khuyến mại, ưu đãi giao dịch vẫn ảm đạm
Theo ông Minh Nguyễn – Trưởng bộ phận Nghiên Cứu và Tư vấn thị trường của công ty này tại Hà Nội, hiện tại, tổng nguồn cung trên thị trường sơ cấp đối với tất cả các phân khúc khoảng 11.000 căn. Trong đó, căn hộ hạng B chiếm thị phần cao nhất, gần 6.500 căn, hạng C khoảng 4.000 căn và còn lại là hạng A. Một số dự án trì hoãn việc mở bán do thị trường ảm đạm, tuy nhiên quý IV năm 2012 vẫn có khoảng trên 100 căn hộ mới được mở bán từ ba dự án đang hoạt động, chủ yếu thuộc hạng B và C; không có căn hộ hạng A nào được mở bán.
Giá chào bán cho căn hộ hạng A khoảng 48 triệu đồng/m2, hạng B xấp xỉ khoảng 33 triệu đồng/m2 và khoảng 17 triệu đồng/m2 đối với các căn hộ hạng C.
Các dự án tiêu biểu mở bán trong quý 4/2012 bao gồm Discovery Complex (17 căn) và Ha Do Park View (31 căn) ở Cầu Giấy; Skyline (65 căn) ở Hai Bà Trưng. Ngoài ra các dự án tiêu biểu đang xây dựng bao gồm Mandarin Garden (1008 căn) và D’.Palais de Louis (242 căn) ở khu vực Cầu Giấy; Mulberry Lane (1478 căn) ở khu vực Hà Đông, Golden Land Building (730 căn) ở Thanh Xuân và Golden Palace Me Tri (1.000 căn) ở Từ Liêm.
Hoạt động thị trường trong quý 4/2012 tiếp tục trì trệ, được nhiều người xem như là “đóng băng”. Nhiều dự án mở bán căn hộ xây thô để giảm giá bán khoảng 5-7 triệu đồng/m2 hoặc đưa ra gói tín dụng hỗ trợ khách hàng, với lãi suất thấp, thậm chí lãi suất 0%. Các chương trình khuyến mại như tặng một chỗ đỗ xe hay gia hạn thanh toán và các phần quà có giá trị khác đang được các chủ đầu tư áp dụng trên thị trường.
Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường vẫn vô cùng ảm đạm, người mua vẫn tiếp tục cân nhắc và giữ thái độ khá thờ ơ với những động thái này. Do đó, thanh khoản thị trường vẫn rất thấp.
Các khách hàng mục tiêu là những người mua cuối cùng, có nhu cầu thực và thu nhập trung bình; vì vậy các dự án có diện tích căn hộ nhỏ (40-60 m2) và giá cả vừa phải đang được quan tâm hiện nay.
TP HCM: Phân khúc hạng C đang có xu hướng tăng nhẹ
Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, theo Cushman & Wakefield Vietnam, nhu cầu đối với những căn hộ có giá hợp lý đang có xu hướng tăng nhẹ. Điều này được lý giải là do lãi suất cho vay mua nhà được các ngân hàng thương mại chào với mức ưu đãi, cộng với với chính sách thanh toán linh hoạt từ các chủ đầu tư nhằm kích cầu thị trường.
Trong 3 phân khúc, hạng C có số lượng giao dịch cao nhất, với tỷ lệ hấp thụ khoảng 10% do có mức giá hợp lý, từ 10.890.000 đồng - 27.625.000 đồng/m2, không đổi so với quý trước. Khoảng 85% căn hộ được bán trong quý này là các căn hộ hạng C.
Giá căn hộ hạng A nằm trong khoảng từ 34.600.000 đồng - 92.300.000 đồng/m2, giảm khoảng 1% so với quý trước. Giá căn hộ hạng B khoảng từ 17.550.000 đồng - 85.100.000 đồng/m2.
Tổng nguồn cung thị trường sơ cấp giảm 7% so với quý trước và giảm gần 38% so với năm trước. Trong quý này, có 100 căn hộ từ dự án hạng A Sunrise City W2 và 480 căn hộ từ 2 dự án hạng C là 27 Trường Chinh và Hoàng Anh Thanh Bình được tung ra thị trường. Căn hộ hạng C vẫn là sản phẩm cốt lõi và chiếm tới 67% tổng nguồn cung.
Gần 90% tổng nguồn cung sơ cấp tập trung ở các quận ngoại thành. Quận 7, Quận 2 và Bình Tân là ba quận có nguồn cung lớn nhất, chiếm tới gần 50% tổng cung. Ngoài ra, trên thị trường ghi nhận một số dự án nổi bật đang được xây dựng như M&C Tower của Saigon M&C JSC; Thai Binh Plaza (Central Plaza) của Binh Duong Ltd; Cinco Building thuộc Cinco; Khang Thong Apartment thuộc tập đoàn Khang Thong và Spring Life của Khang Dien Saigon.
Nghị quyết của Chính phủ sẽ tiếp sức cho thị trường?
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.
Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp, như: Giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; chuyển sang nhà ở xã hội; sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.
Cùng với đó, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang cho phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Đặc biệt, cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách: Người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên và làm các công trình dịch vụ như: Bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại đang có nhu cầu nhưng phải phù hợp quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Theo Leon Cheneval, giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường của Cushman & Wakefield Việt Nam: “Các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến lợi nhuận khi đầu tư. Nhìn chung việc cho phép các cá nhân và tổ chức nước ngoài sở hữu nhà là điều có lợi tuy nhiên thị trường Việt Nam chưa đem đến mức lợi nhuận mong đợi. Người nước ngoài đầu tư vào nhiều loại hình bất động sản khác nhau tại Việt Nam với những động cơ khác nhau. Bất động sản càng lớn càng đòi hỏi vốn lớn và bởi vậy rủi ro cũng cao hơn nhiều. Chẳng hạn khi một người nước ngoài mua một căn hộ, cái mà anh ta thực sự mua là phong cách sống; trong khi sinh lời là một nhu cầu thứ cấp. Dẫu là mua để ở, hay với mục tiêu sinh lời, thì hai nhóm người mua này đều có những yêu cầu nhất định cho việc đầu tư”.
Hy vọng các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà Nghị quyết đề cập sẽ tiếp sức cho thị trường bất động sản đang gặp khó khăn./.