Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hiện nay, dịch bệnh đã bước đầu được kiểm soát ở “điểm nóng” là khu vực kinh tế phía Nam, đây là cơ hội để “Kinh tế” lấy lại vai trò đầu tàu, dẫn dắt, đưa cả nước bước vào cuộc sống “bình thường mới”. Trong đó, đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là “ba chân kiềng” giúp tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Loạt bài “Tận dụng cơ hội bình thường mới: Tập trung 3 chân kiềng cho tăng trưởng kinh tế” sẽ góp thêm những góc nhìn mới trong việc tìm ra giải pháp phát triển kinh tế đất nước.

Bài 1: Đi tìm lời giải cho bài toán giải ngân đầu tư công 3 tháng cuối năm

Đầu tư công luôn được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thực hiện với tổng mức vốn gần 2 triệu tỷ đồng, nhưng đã góp phần huy động vốn đầu tư xã hội đạt hơn 9 triệu tỷ đồng. Điều này khẳng định tính chất “vốn mồi”, dẫn dắt và lan tỏa của đồng vốn đầu tư công, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở mức cao của nước ta giai đoạn 5 năm qua.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đầu tư công đóng vai trò không chỉ là “vốn mồi" mà còn là nguồn vốn quan trọng, hỗ trợ hiệu quả phục hồi nền kinh tế khi các dòng vốn khác bị suy giảm.

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong nửa đầu năm 2021 tăng 7%, khu vực đầu tư Nhà nước tăng 7,3%, ngoài Nhà nước tăng 7,4%, đầu tư nước ngoài khoảng 6,8%, tức là không có đột biến. Khuyến nghị chính sách chúng tôi đưa ra là phải đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng cấp quốc gia, ảnh hưởng tăng trưởng dài hạn, tốt cho Việt Nam hậu bệnh dịch nên cần tranh thủ đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Thế nhưng, đợt dịch covid-19 lần thứ 4 xuất hiện từ cuối tháng 4 với biến chủng delta lây lan nhanh khiến nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, tập trung nguồn lực cho chống dịch. Tính đến hết tháng 9 năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 47% kế hoạch được giao, tức là còn khoảng 250 nghìn tỷ đồng vẫn còn nằm trong ngân quỹ. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, để tiếp tục phát huy vai trò vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, các bộ, ngành và địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bởi bên cạnh nguyên nhân khách quan như thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19, còn có những nguyên nhân chủ quan mà các các bộ ngành và địa phương phải đôn đốc các chủ đầu tư, các ban quan lý dự án nỗ lực giải quyết ngay.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá, nguyên nhân chủ quan của ban quản lý dự án và cơ quan chủ quản là trọng yếu nhất, trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, xác định khối lượng hoàn thành, rồi thủ tục thanh toán, trách nhiệm chính là chủ đầu tư, ban quản lý dự án đề nghị lưu ý để đẩy nhanh dự án đảm bảo tiến độ.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính nêu thực tế, có những dự án đã được Kho bạc kiểm soát chi nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ thanh toán và mang đến Kho bạc để thực hiện giải ngân. Kho bạc Nhà nước cũng khuyến nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư công, là: bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, cần nghiệm thu ngay khi có từng phần khối lượng hoàn thành và hoàn thiện tốt hồ sơ thanh toán để gửi đến kho bạc kiểm soát chi và giải ngân sớm. Đó cũng là một trong những giải pháp giúp thành phố Lai Châu đến nay đã giải ngân được hơn 70% kế hoạch vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Đức Kiển, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án thành phố Lai Châu cho biết, cơ quan cũng đã họp và đi vào chi tiết từng dự án, trong đó cũng đánh giá rõ khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân từ đâu để tháo gỡ. Ban cũng giao cho các đồng chí cán bộ kỹ thuật rà soát tất cả khối lượng mà nhà thầu đã thi công để nghiệm thu hoàn ứng, từ đó để giải ngân vốn đầu tư. Sẽ không phải chờ khối lượng lớn để nghiệm thu nữa mà yêu cầu các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, có thể là phải tăng giờ, tăng ca hoặc bổ sung thêm nhân lực.

Rõ ràng, cần có sự đôn đốc quyết liệt hơn của các bộ, ngành và địa phương, cũng như quyết tâm vượt khó của chủ đầu tư và ban quản lý dự án, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ xây dựng và cơ sở hạ tầng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nhất là ở các dự án đầu tư công có vốn vay nước ngoài càng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19, nên càng cần đôn đốc sát sao:

"Công trình thủy lợi nông nghiệp làm theo mùa, mùa khô không làm được vì bị Covid, giờ thì mưa. Giải tỏa chỉ thị 16, giãn cách thì bớt khó khăn thì lại mưa, nên chúng tôi đạt 45% đã là cố gắng nhiều. Bộ đã có tổ giải ngân, lập group zalo tất cả chủ đầu tư, bộ trưởng, thứ trưởng, dự án đưa lên cả bộ biết nên các chủ đầu tư phải cố gắng"-ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Quyết tâm giải ngân hết vốn đầu tư công để tạo động lực duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế cũng là yêu cầu được các địa phương chú trọng. Đơn cử như ở tỉnh Quảng Ninh, đã yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay, giúp đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở địa phương tăng trên 10% so với năm ngoái, để kiên trì phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương năm nay ở mức 2 con số. Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Quảng Ninh quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm và tạo mọi điều kiện để các dự án này được triển khai đúng theo kế hoạch.

Ngay cuối tháng 10 này, Quảng Ninh sẽ khởi công các dự án lớn, như: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh với tổng mức đầu tư trên 230 nghìn tỷ đồng; khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG ở TP Cẩm Phả, dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh ở TP Móng Cái.

Phó Chủ tịch Cao Tường Huy nhận định, phải kiên quyết đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 31/12/2021 phải giải ngân 100% vốn đầu tư công. Vừa qua chúng tôi đã phát động thi đua cao điểm "100 ngày đêm hoàn thành 3 công trình trọng điểm động lực" là Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Cửa Lục 1 với tổng mức đầu tư trên 17 nghìn tỷ đồng. Ngoài việc tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Quảng Ninh cũng đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và coi đây là giải pháp hỗ trợ quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư.

Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, giải phóng mặt bằng là “nút thắt” cố hữu của giải ngân vốn đầu tư công, nên nếu địa phương nào quyết liệt tháo gỡ và tập trung giải quyết thì vẫn đạt kết quả khả quan dù trong bối cảnh có dịch Covid-19. Ngoài ra, các bộ ngành và địa phương cần chủ động rà soát những dự án đến nay giải ngân chưa đến 60% kế hoạch vốn, để điều chuyển sang những dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm nay. Chính phủ cũng đã khẳng định sẽ tổng hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 từ các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm sang các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.

Về cơ chế chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ và cơ quan liên quan, tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công, đề xuất sửa đổi, bổ sung, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Như vậy, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và ban quản lý từng dự án, cần nỗ lực phấn đấu giải ngân tốt nhất vốn đầu tư công, trong bối cảnh “bình thường mới” đã được xác lập. Đây không chỉ là yêu cầu về duy trì động lực phục hồi kinh tế năm nay, mà còn là tạo nền tảng tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025./.