Qua nghiên cứu thị trường, để từng bước chinh phục người tiêu dùng, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung đầu tư vào công tác xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, tổ chức mạng lưới bán lẻ và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm. Nếu như trước đây, hệ thống cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp dệt may chỉ có mặt ở các trung tâm thương mại hay các vị trí đắc địa tại các thành phố lớn thì bây giờ,  người tiêu dùng đã dễ dàng tìm thấy hệ thống bán lẻ hàng may mặc Việt Nam ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tập đoàn Dệt May Việt Namcòn có riêng một hệ thống siêu thị Vinatex Mart của Công ty kinh doanh hàng thời trang với 57 điểm bán hàng.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty cổ phần May 10 đã mở riêng một hệ thống gồm 3 siêu thị mang tên M10 Mart ở Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa. Riêng Việt Tiến, hệ thống cửa hàng, đại lý đã phủ khắp vùng sâu, vùng xa. Ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến cho biết: “Vấn đề cốt lõi để khai thác tối đa thị trường nội địa, ngoài đầu tư cho thương hiệu và sản phẩm là đầu tư vào hệ thống phân phối. Chúng tôi đã có trên 1.300 đại lý cửa hàng khắp 64 tỉnh thành, mỗi thương hiệu có hệ thống nhận dạng riêng. Kể cả vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo như Phú Quốc cũng có cửa hàng. Như thế, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm Việt Tiến ở bất kỳ đâu”.

Đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu, có thể kể đến các  công ty hàng đầu của ngành Dệt May như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè… Bên cạnh  dòng sản phẩm cao cấp, năm qua, Việt Tiến đã rất thành công khi đưa ra thị trường sản phẩm dành cho người lao động có thu nhập trung bình thấp mang thương hiệu Việt Long. Sản phẩm ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội có chất lượng tốt, giá thành hợp lý đã thỏa mãn được nhu cầu mặc đẹp của tầng lớp bình dân. Bên cạnh những dòng sản phẩm thông dụng đã có từ trước, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đều đầu tư cho những thương hiệu mới thuộc dòng thời trang cao cấp như Mattana, De Celco của Nhà Bè, Eternery Gruz của  May 10. Liệu có mạo hiểm không khi đưa ra thị trường những sản phẩm thời trang cao cấp có giá lên tới cả triệu đồng một sản phẩm trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng?

Giải đáp băn khoăn này, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng nhu cầu hàng dệt may của người dân rất lớn, trong khi nhiều tên tuổi của các hãng thời trang quốc tế liên tục đổ bộ vào Việt Nam, nếu doanh nghiệp trong nước chậm chân sẽ bị mất thị phần.

Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2011 được tổ chức  tại Nhà Thi đấu Phú Thọ, TP HCM đầu tháng 5 vừa qua, sau khi mua sắm 2 bộ váy áo thời trang tại gian hàng của Tổng công ty May 10, chị Nguyễn Tuyết Thu, một nhân viên văn phòng công chứng ở quận Tân Bình cho biết: “Nếu nhà sản xuất có những sản phẩm mẫu mã hợp với người tiêu dùng thì người Việt Nam không quay lưng với hàng trong nước”.

Từ thành công bước đầu của các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Doanh nghiệp dệt may đồng hành cùng đồng bào biển đảo của Tổ quốc” một thời cơ mới đã mở ra cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, trong đó có dệt may. Qua các cuộc vận động vừa nêu, ý thức tiêu dùng của người dân đã có chuyển biến tích cực. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này như thế nào.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May 10 cho biết: “Mặc dù trong năm nay tình hình lạm phát, giá cả tăng nhưng về phía May 10 đã có gắng không tăng giá sản phẩm mà bằng mọi cách tăng năng suất lao động, giảm chi phí để đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng”.

Bên cạnh sự năng động, nhạy bén của doanh nghiệp, Tập đoàn Dệt May Việt  Nam cũng rất chú trọng việc giúp cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ lớn trong năm, đặc biệt là Hội chợ thời trang. Năm nay, Hội chợ thời trang quốc tế dự kiến sẽ được tổ chức tại TP HCM đầu tháng 11 với rất nhiều bộ sưu tập mới được ra mắt. Ông Lê Trung Hải- Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt  Nam cho biết: “Hưởng ứng chương trình kích cầu của Chính phủ và phát triển thị trường nội địa, trong những năm qua, hoạt động Hội chợ đã mạnh mẽ nhưng năm nay chúng tôi tổ chức với những nét mới nhằm đưa thời trang Việt Nam lại gần hơn với người tiêu dùng, đáp ứng một phần kỳ vọng phát triển thị trường nội địa”.

Ngoài sự ủng hộ của người tiêu dùng và nỗ lực của doanh nghiệp cũng như ngành dệt may Việt Nam, để tiếp sức cho hàng nội có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, không thể thiếu được được những chính sách ưu đãi của Nhà nước về vốn, thuế cho những doanh nghiệp có tỷ trọng hàng nội địa cao. Có như thế ngành dệt may Việt Nam mới cùng lúc đạt được cả 2 mục tiêu là tăng trưởng doanh thu nội địa và góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô./.