Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt mayđạt 27,4 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí trong top 5 các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 

Những tháng cuối năm, các doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng qua, với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước. ASEAN đạt 21,3 tỷ USD, tăng 2,6%; Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, tăng 7,5%; Hàn Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 9%.

det_may_zvrq.jpg
Nhiều khó khăn đang "bủa vây" ngành dệt may Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Mặc dù vậy, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Sự cạnh tranh về đơn hàng giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như các quốc gia: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia diễn ra ngày càng gay gắt. 

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang phải đối diện với tình trạng khan hiếm đơn hàng, thậm chí một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa, đối diện với nguy cơ phá sản. 

Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết các đơn hàng đang có xu hướng bị chia nhỏ, khách hàng thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn, đặc biệt tình trạng ép giá thấp khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các nước có ưu đãi về thuế suất như: Banglades, Campuchia thay vì vào Việt Nam như trước đây. 

Bên cạnh đó, lợi thế về nhân công giá rẻ không còn khi mà nhiều quốc gia có giá nhân công chỉ bằng một nửa của ngành dệt may Việt Nam. Để thu hút đơn hàng, các quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may của họ như: giảm nhiều loại thuế, thúc đẩy xuất khẩu, khiến nguy cơ mất đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cao.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh hết sức quyết liệt, việc đạt được mức tăng trưởng khoảng 9% là một nỗ lực rất lớn của toàn ngành dệt may.

Theo các chuyên gia trong ngành, từ nay đến hết năm, để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra là 40 tỷ USD, các doanh nghiệp phải tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tập trung khai thác các đơn hàng đòi hỏi kỹ thuật cao, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tay nghề cao trong nước cũng như đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, chính xác, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của khách hàng./.