Ngày 18/11, tại hội thảo "Đánh giá tác động sau 2 năm gia nhập WTO đối với ngành dệt may" do Bộ Công Thương tổ chức diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đã thống nhất nhận định: ngành dệt may đã có sự tăng trưởng vượt bậc sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, cho dù bị cạnh tranh gay gắt.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (thuộc Bộ Công Thương) Phan Chí Dũng cho biết: thành công đáng ghi nhận của ngành dệt may trong thời gian này là đã nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2007 lên trên 7,8 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với năm 2004 và chiếm tới 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kết quả này đã đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 9 trong các nước xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới. Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong 10 tháng của năm nay với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,64 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD. Hiện Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tới 57% thị phần xuất khẩu, vượt xa so với thị trường tiềm năng khác là EU chiếm 18%, Nhật Bản 9%.

Bên cạnh việc mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, ngành dệt may Việt Nam còn góp phần vào giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may với trên 2 triệu lao động. Theo bà Đinh Thị Ty, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam: để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 12 tỷ USD vào năm 2010, các doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp để hạn chế tác động bất lợi và khai thác triệt để những lợi thế cạnh tranh. Hiệp hội sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng chiến lược phát triển ngành, tăng cường hợp tác quốc tế và hoạt động xúc tiến thương mại để xây dựng và quảng bá rộng rãi hơn những sản phẩm mang nhãn hiệu “made in Việt Nam” trên thị trường quốc tế./.