>> Nỗi lo của ngành dệt may-da giày trước ngưỡng cửa hội nhập>> Dệt may, da giày nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa>> Dệt may có giữ được tăng trưởng ấn tượng, dẫn đầu xuất khẩu?
"Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm sản xuất hàng dệt may xuất khẩu lớn, trong đó có HanesBrands, Smart Shirts Garment". Đó là khẳng định của ông Javier Chacon, Phó Chủ tịch cấp cao, Bộ phận kinh doanh toàn cầu thuộc tập đoàn may mặc HanesBrands khi nhận định về một làn sóng đầu tư của các tập đoàn dệt may lớn trên thế giới vào Việt Nam.
"Việt Nam được coi là một trung tâm sản xuất lớn nhất và quan trọng nhất của Tập đoàn HanesBrands. Chúng tôi bắt đầu sản xuất tại Việt Nam vào năm 2008 với việc mở nhà máy đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và Hưng Yên. Nhà máy tại Thừa Thiên-Huế cũng đã được mở rộng vào năm 2010. Tại Việt Nam, HanesBrands có tổng công suất đạt hơn 400 triệu sản phẩm/năm", ông Javier Chacon cho biết.
Quyết tâm đầu tư dài hạn và tiếp tục mở rộng quy mô, với nền tảng 3 nhà máy hiện có, nhưng Tập đoàn HanesBrands toan tính tăng đầu tư vào Việt Nam.
"Chúng tôi đang bàn thảo với Tập đoàn Dệt may Việt Nam để có thể thống nhất phương án liên doanh, hợp tác bằng những dự án đầu tư sản xuất hàng cao cấp, phục vụ thị trường phân khúc cao, để thu về giá trị gia tăng tốt hơn", đại diện HanesBrands xác nhận.
Đầu tháng 2/2014, Công ty TNHH Smart Shirts Garment Bắc Giang đã được tỉnh Bắc Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 5 triệu USD, chuyên sản xuất và kinh doanh các loại áo sơ mi nam nữ, đồng phục và các sản phẩm may mặc khác.
Với sản lượng 6.000.000 sản phẩm/năm, diện tích nhà xưởng 13.892 m2, địa điểm thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Trước khi được cấp Giấy phép đầu tư tại Bắc Giang, Công ty này đã đầu tư Nhà máy tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên và KCN Vụ Bản (Nam Định).
Công ty TNHH Smart Shirts Việt Nam là công ty có 100% vốn đầu tư của Hồng Kông, chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc. Là thành viên của tập đoàn Smart Shirts có nhiều cơ sở sản xuất tại châu Á, bao gồm Srilanka, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam.
Đại diện Công ty TNHH Smart Shirts Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp đã quyết định đúng khi xây nhà máy ở Việt Nam và điều đó được chứng minh rõ hơn, khi nhà máy mới nhất đã được khởi công xây dựng ngay trong năm 2014.
Smart Shirts là nhà cung cấp cho nhiều thương hiệu quần áo danh tiếng ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Với đơn hàng từ Mỹ tăng vọt trong những tháng gần đây, các nhà máy tại Việt Nam đang có vai trò lớn trong việc cung ứng hàng hóa xuất khẩu cho các thị trường và khách hàng trọng điểm của Smart Shirts.
Một trong những động thái quan trọng, thể hiện chủ trương chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất hàng dệt may lớn, Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) đã khởi công Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà với tổng mức đầu tư 4.520 tỷ đồng tại Quảng Ninh.
Kế hoạch 3 - 5 năm tới, Texhong sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng một doanh nghiệp hiện đại với chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung khép kín tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà./.