Theo văn bản mới được Bộ Quốc phòng gửi Chính phủ, bộ này đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP HCM và Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây cầu Thủ Thiêm 2 từ năm 2018, thay vì khởi công vào tháng 11/2014 như dự kiến.
Việc lùi thời hạn khởi công dự án cầu Thủ Thiêm 2, theo Bộ Quốc Phòng, là để tạo điều kiện tối đa cho Tổng công ty Ba Son có thời gian thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng từ nay đến hết năm 2017, góp phần tốt hơn nữa cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Theo Bộ Quốc phòng, cầu Thủ Thiêm dự kiến vượt sông Sài Gòn nối với quận 1 với quận 2 sẽ chạy cắt ngang qua đất và các công trình phục vụ đóng tàu của Tổng công ty Ba Son.
Nếu như đề nghị của Bộ Quốc Phòng được Chính phủ chấp thuận thì hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng sẽ còn tồn tại đến năm 2018, vì khi dự án cầu Thủ Thiêm 2 được xây dựng, một phần hàng cây này sẽ bị chặt bỏ và một phần bị bứng đi.
Hiện nay, dự án cầu Thủ Thiêm 2 được UBND TP HCM chỉ định Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) thay cho Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Khi dự án cầu Thủ Thiêm 2 được đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia giao thông khuyến cáo hiện nay thành phố đã có cầu Thủ Thiêm 1, cầu Phú Mỹ và hầm vượt sông Sài Gòn nên chưa cần thiết phải xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 . Đồng thời, vào thời điểm này, nhu cầu về giao thông giữa trung tâm TP HCM với Thủ Thiêm chưa lớn, việc xây cầu có vốn đầu tư lớn có thể chưa mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, theo tính toán và dự báo của Sở GTVT TP HCM đến năm 2030, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có 120.000 dân, mỗi ngày sẽ có khoảng 350.000 người qua lại làm việc. Do vậy, thành phố phải xây dựng 4 cây cầu bắc sang khu đô thị Thủ Thiêm, cộng với một cây cầu đi bộ, một đường hầm vượt sông Sài Gòn mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tương lai./.