Tại Luật số 26 ngày 22/11/2012 của Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 có hiệu lực từ 01/07/2013, quy định: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng; Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Ảnh minh họa. |
Trong quá trình tổ chức thực hiện, công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế đã thường xuyên cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo các công bố của Tổng cục Thống Kê để đảm bảo quản lý thuế theo đúng quy định của Luật, cụ thể: Tháng 7/2013 là 100; Năm 2014 là 104,82%; Năm 2018 là 116,07% và 6 tháng đầu năm 2019 là 118,17%. Như vậy, chỉ số CPI đến hết 6 tháng đầu năm 2019 so với 1/7/2013 tăng 18,17%, chưa đến mức biến động (20%) phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, dự kiến mức tăng CPI năm 2019 khoảng dưới 4%, dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể vượt trên 20% so với thời điểm Luật số 26/2012/QH13 có hiệu lực. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang phối hợp với đơn vị có thẩm quyền của Bộ Tài chính để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của Luật thuế TNCN cùng với việc rà soát đánh giá tổng kết toàn diện chính sách thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét quyết định./.
Tổng cục Thuế bảo thủ với thuế thu nhập cá nhân?
Có thể tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân