Bộ Công an vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý các loại hình bất động sản, trong đó có officetel (còn được gọi là căn hộ dịch vụ hay văn phòng kết hợp lưu trú). Bộ Công an kiến nghị việc tăng cường quản lý nhà nước đối với loại sản phẩm này, không phát triển thêm các dự án mới, không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở. Quan điểm của Bộ Công an nhận được sự đồng tình của các chuyên gia và cho rằng, cần loại bỏ khái niệm officetel để tránh biến tướng thành nhà ở.
Xung đột quyền lợi
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trên địa bàn có khoảng hơn 6.000 sản phẩm officetel. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, officetel là sự kết hợp từ văn phòng làm việc (office) và nơi lưu trú (hotel), thường có diện tích nhỏ hơn 50 m2. Với căn hộ thương mại để ở, người mua có quyền sở hữu ổn định, lâu dài, nhưng officetel là sản phẩm có thời hạn sử dụng là 50 năm, không thể làm hộ khẩu cho người sở hữu.
Hiện ở TPHCM có nhiều dự án chung cư phát triển loại hình officetel |
“Hiện nay nhiều dự án lớn tại TPHCM tung ra nhiều căn hộ dịch vụ. Các chủ đầu tư cũng cam kết là người mua căn hộ dịch vụ sẽ được chủ đầu tư khai thác, kinh doanh, đảm bảo mức lợi nhuận như kỳ vọng. Nhưng đây là loại hình bất động sản mới nên bà con cần nghiên cứu kỹ”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Đất Lành lấy ví dụ, trong một khu đất 10.000 m2 xin quy hoạch để ở, có hệ số sử dụng đất ở là 7, hệ số sử dụng đất dịch vụ, thương mại lại 1. Theo đó, dự án có 70.000 m2 diện tích để ở (gồm căn hộ, thang máy, thang bộ, hành lang) và có 10.000 m2 diện tích thương mại, dịch vụ (nhà trẻ, khu thể thao, spa, ăn uống) để phục vụ cho người dân tại dự án. Nhiều doanh nghiệp chia phần 10.000 m2 diện tích thương mại, dịch vụ để bán dưới tên officetel.
Theo ông Đực, việc bán officetel làm gia tăng số lượng người tới ở tại dự án, phá vỡ quy hoạch về dân số, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực dự án: “Đó là trục lợi, hậu quả là khi ở chung với nhau sẽ có xung đột lớn. Về số người ở thì officetel không thua những căn hộ thương mại khác, nhưng đóng phí bảo trì ít hơn. Vì tính theo diện tích các căn hộ 80 m2 đến 100 m2 đóng số tiền lớn, còn officetel chỉ 30 m2 đến 40 m2 cũng ở 3 – 4 người. Quan điểm của tôi là không tán thành officetel”.
Bất cập trong quản lý
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hoà phân tích, dù dưới tên gọi là văn phòng kết hợp lưu trú, nhưng hầu hết officetel đều được sử dụng để ở. Từ đó, sinh ra gánh nặng trong công tác quản lý, không kiểm soát được số lượng, lai lịch người ở nếu là khách vãng lai. Chưa kể tới việc sử dụng chung hệ thống hạ tầng của dự án như thang máy, chỗ để xe… tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, hoặc xảy ra tranh chấp, so bì lợi ích, trách nhiệm giữa cư dân và khách thuê officetel. Theo ông Quang, nên bỏ khái niệm officetel. Đối với nhu cầu của doanh nghiệp cần một sản phẩm diện tích nhỏ.
Nếu không có khung pháp luật chặt chẽ, loại hình officetel có thể biến tướng, phá vỡ quy hoạch đô thị |
“Nên cấp giấy chứng nhận chứng nhận quyền sở hữu tài sản với bất động sản thương mại diện tích nhỏ từ 40 m2 đến 50 m2, chỉ áp dụng cho bất động sản văn phòng. Như vậy, các doanh nghiệp nhỏ có thể mua mang tính đầu tư lâu dài, để ổn định phát triển”, ông Quang kiến nghị.
Để ngăn chặn nguy cơ biến tướng từ loại hình officetel gây hậu quả lên quy hoạch đô thị, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện và ban hành hệ thống pháp luật, quy định cụ thể để điều chỉnh, quản lý loại hình này./.