Khu vực thị trường Trung Đông và Châu Phi có những đặc thù riêng. Trung Đông có những yếu tố tôn giáo chặt chẽ, văn hóa Hồi giáo. Châu Phi có khoảng cách địa lý xa xôi và thông tin về thị trường hạn chế, khả năng thanh toán hạn chế....
Vì vậy, dù được coi là tiềm năng nhưng thị trường này chưa hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam và “tiềm năng” này vẫn chưa được khai thác. Vậy các doanh nghiệp cần phải làm gì để khai thác thị trường tiềm năng Trung Đông và Châu Phi, cũng như nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này ?
Hội nghị Giao ban tham tán thương mại khu vực Châu Phi, Tây Á và Nam Á ở Dubai vừa qua, các tham tán cho rằng “Trung Đông, Châu Phi luôn được coi là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này chưa thực sự được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này mới chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD năm 2008. Một con số quá nhỏ so với hơn 60 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt của Việt Nam trong năm 2008”.
Đây là điều mà các tham tán thương mại ở khu vực Trung Đông, Châu Phi luôn trăn trở. Tham tán thương mại Việt Nam tại Nam Phi luôn tự mình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao Trung Đông, Châu Phi từ lâu đã được coi là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm- 20 năm, Nam Phi vẫn được gọi là “tiềm năng” trong khi chúng ta đã nhận thấy thị trường này có rất nhiều cơ hội, điều kiện ưu đãi, thuận lợi?”
Tham tán thương mại Việt Nam tại Nam Phi Đỗ Quang Liên cho rằng: “Đầu tư chiến lược vào khu vực này chưa cao. Nhân lực cho phát triển quá ít, các doanh nghiệp chưa thực sự chý ý vào khu vực này. Nói cách khác,̀ thị trường chưa hấp dẫn các doanh nghiệp so với các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…”
Thực tế, thị trường Trung Đông, Châu Phi chưa hấp dẫn các doanh nghiệp dù được coi là tiềm năng. Khoảng cách xa xôi, khả năng thanh toán kém, đặc biệt là sự thiếu thông tin… là những yếu tố khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với thị trường này. Ông Nguyễn Gia Du, chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAICON) chia sẻ: “Đây là thị trường rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam hiểu biết về thị trường, khu vực này còn hạn chế cả về̀ văn hóa, pháp luật, phong tục tập quán .
Chính vì vậy, các doanh nghiệp rất cần những thông tin từ thương vụ Việt Nam tại các nước. Họ là cầu nối giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các doanh nghiệp, hàng hòa, các hợp đồng mà thương vụ đang hoạt động, cũng như giúp các doanh nghiệp của các nước hiểu biết hơn về hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam”.
Mỗi nước ở khu vực Trung Đông, Châu Phi có những đặc điểm, điều kiện khác nhau. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có các cách thức tiếp cận khác nhau để có thể thâm nhập thị trường. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần chủ động thâm nhập thị trường, tích cực tham gia các hội trợ triển lãm, hội thảo và giới thiệu hàng và tăng cường trao đổi thông tin với thương vụ Việt Nam.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Iran Bùi Thế Gián cho răng: “ Đối với thị trường Iran, hiện nay do bị cấm cận, do hạn chế về điều kiện thanh toán. Tuy nhiên, Iran đang rất cần hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Vì vậy các doanh nghiệp cũng cần sớm tiếp cận Iran không sẽ bị châm chân”.
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã bắt chú ý mở rộng thị trường sang khu vực Trung Đông, Châu Phi. Trong số các doanh nghiệp được đánh giá là thành công như Công ty cổ phần dệt may Thái Tuấn. Các sản phẩm của Thái Tuấn đã có mặt ở Dubai, Iran, Ai Cập, Iraq…. và dần được đón nhận. Kim ngạch xuất khẩu và thị phần của Thái Tuấn sang các thị trường này tăng trưởng hàng năm.
Anh Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc thị trường của Công ty cổ phần dệt may Thái Tuấn cho biết: “Đầu tiên là nhờ vào thông tin chính xác từ các cơ quan thương vụ. Một trong những cái giúp mình ổn định thị trường là uy tín chất lượng và dịch vụ. 5 hay 7 năm sau khách hàng mua mặt hàng đó vẫn đảm bảo chất lượng và có sự đổi mới về mẫu mã. Điều này luôn làm cho khách hàng hài lòng”.
Khác với cách thức kinh doanh hiện đạỉ của Châu Âu, Châu Mỹ, các nhà nhập khẩu, thương gia ở Trung Đông, Châu Phi vẫn kinh doanh theo kiểu truyền thống đó là gặp trực tiếp, nhìn thấy hàng và chọn hàng giá rẻ, găp gỡ nhiều lần. Do đó, để có thể thành công ở thị trường này các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm và gặp đối tác, đồng thời mang hàng giới thiệu tại các hội trợ, triển lãm hoặc liên hệ với các thương vụ để có sự hỗ trợ về thông tin, giới thiệu doanh nghiệp, tìm hiểu thủ tục...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu đến yếu tố văn hóa, phong tục, thói quen và luật pháp của khu vực này có thể trực tiếp hoặc thông qua cơ quan thương vụ. Ngạn ngữ có câu “Vạn sự khởi đầu nan”. Hy vọng rằng, các doanh nghiệp Việt Nam dần dần chiếm lĩnh thị trường Trung Đông, Châu Phi và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa “Made in Viet Nam” như gấm Thái Tuấn ở Dubai, cá basa ở Ai Cập hay chè ở thị trường Iraq trước đây./.