Chúng ta không chỉ tự hào là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hồ tiêu, cà phê, mà trái cây Việt cũng đang ngày càng vươn xa, khẳng định vị thế của mình ở thị trường hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Những đặc sản như mận An Phước, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn, thanh long Bình Thuận, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn ngày càng tăng về sản lượng, chất lượng, thị trường xuất khẩu ngày càng rộng mở, đem lại đời sống ấm no cho người nông dân.

Gần đây, nông dân cả nước hào hứng với các quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm như: Viet GAP, Global GAP, đây được coi như tấm “giấy thông hành” để mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây...

Nhưng thực tế, diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình này chưa nhiều, mạnh ai nấy làm. Nhà vườn có thể trồng được sản lượng trái cây nhiều, chất lượng tốt nhưng phần lớn hình thức, kích cỡ lại không đồng đều, chưa đạt chuẩn, khó đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Nông dân sản xuất tự phát, thiếu liên kết khiến điệp khúc được mùa rớt giá hàng năm tái diễn.

Chúng ta từng thắt lòng khi nghe tin hàng trăm xe dưa hấu chờ trước cửa khẩu Tân Thanh không xuất được. Rồi cứ đến mùa, vải thiều lại xuống giá, bưởi Năm Roi có lúc giá bán thấp hơn giá thành. Nếu không có quy hoạch, không có liên kết, không có đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, trái cây Việt sẽ không thể mang lại hiệu quả cho người trồng.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã công bố quy hoạch phát triển cây ăn trái. Từ năm nay, khu vực ĐBSCL sẽ bắt đầu xây dựng vùng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản rộng 300.000 ha với sản lượng khoảng 3 triệu tấn trái/năm, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, phục vụ xuất khẩu, chế biến và tiêu thụ nội địa.

Việc hình thành các vùng chuyên canh là không khó. Nông dân có thể góp đất, góp vốn với nhau hình thành nên các hợp tác xã hay tổ hợp tác. Đây là cách mà một số nông dân nước ta và nhà vườn các nước khác đang làm và rất hiệu quả.

Khi xây dựng được các vùng chuyên canh, sẽ dễ dàng áp dụng khoa học kĩ thuật, thực hiện cơ giới hóa trong tất cả các khâu từ chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đến thu mua.

Thay vì mất công đi thu gom nhiều nơi, doanh nghiệp có thể dễ dàng thu mua ở một nơi, với chất lượng đồng nhất về kích cỡ, màu sắc, hương vị. Việc sản xuất lớn cũng giúp nhà vườn có vị thế khi đàm phán với đối tác về vốn, nguồn vật tư nông nghiệp sao cho có lợi nhất. Và khi sản xuất theo tổ hợp tác, nông dân cũng không sợ lao đao vì đã được kí hợp đồng tiêu thụ, được mua bảo hiểm. Có vùng nguyên liệu ổn định, các doanh nghiệp cũng yên tâm mở rộng công suất nhà máy, mở rộng thị trường, xuất khẩu nhiều trái cây đem về ngoại tệ cho đất nước.

Muốn có những vùng chuyên canh, những hợp tác xã cây ăn trái lớn, không ai khác ngoài Nhà nước phải đứng ra tổ chức, giúp nhà vườn liên kết với nhà khoa học, nhà doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu vườn cây ăn trái, đầu tư nhiều giống mới chất lượng cao, xây dựng hệ thống tưới tiêu, giao thông và chuyển giao kĩ thuật canh tác mới. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng phải vào cuộc đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản trái cây tốt hơn, vận chuyển đi xa hơn, tìm kiếm nhiều thị trường hấp dẫn hơn. Và hơn hết, chính những người trồng cây ăn trái cần nâng cao nhận thức, xóa bỏ thói quen sản xuất theo phong trào, tích cực áp dụng công nghệ mới, hình thành vùng nguyên liệu ổn định. Một khi chuỗi liên kết này được xây dựng bền chặt thì chắc chắn trái cây Việt Nam sẽ có chất lượng cao hơn, giá bán tăng hơn, thu về lợi nhuận nhiều hơn và không còn nỗi lo được mùa rớt giá.

Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Tiền Giang vừa kết thúc ngày 22/4 chính là bước đi nhằm thực hiện mục tiêu ấy. Sự gặp gỡ của 4 nhà với những cái bắt tay thật chặt không chỉ thực hiện ở lễ hội mà sau đó sẽ trở thành những hợp đồng liên kết ngay trên từng mảnh vườn của người nông dân. Điều đó là động lực để trái cây Việt thực sự bước vào sân chơi lớn, khẳng định vị thế của mình trong phiên chợ toàn cầu./