“Hành động của doanh nghiệp và kiến nghị với Nhà nước”- Đó là chủ đề của Hội nghị thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại Hà Nội sáng 2/11.

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Tiếp sức hàng Việt”, với mục đích tạo cơ hội cho doanh ngiệp trình bày các chương trình hành động sắp tới nhằm hưởng ứng cuộc vận động, đồng thời, nêu lên những kiến nghị với Nhà nước và các cơ quan ban ngành liên quan.

Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Việc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” không phải là một mệnh lệnh hành chính bắt buộc người Việt phải dùng hàng Việt bằng mọi giá mà chỉ hàm nghĩa rằng, ở một góc độ nào đó chính là nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trong điều kiện hội nhập về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như những yếu tố về bảo vệ môi trường… Để làm được điều này, không chỉ có nỗ lực của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất mà còn có sự liên kết của các nhà phân phối. Về phía Nhà nước cần không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp.

Hang-Viet.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị

Ông Ngô Văn Dụ,Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng cho rằng: Chủ trương phát động cuộc vận động được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, trong nước suy giảm. Vì vậy, cuộc vận động hướng tới việc góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế trong nước. Về lâu dài, cuộc vận động còn hướng tới việc nâng cao chất lượng hàng Việt, cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh hội nhập. Cuộc vận động không phải chủ trương bài trừ hàng ngoại, là phong trào của nhân dân chứ không phải là mệnh lệnh hành chính của cơ quan nhà nước. Cần xem việc Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là thể hiện tinh thần yêu nước của toàn thể cán bộ và nhân dân…

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến, kiến nghị với cơ quan Nhà nước là cuộc vận động cần được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Nhà nước cần tạo ra những cơ chế chính sách ưu tiên đối với hàng nội. Ưu tiên dùng hàng Việt nhưng phải là hàng Việt Nam đúng nghĩa, chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh… Các cơ quan chức năng cần thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường để làm tốt công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… Cần nâng mức chế tài xử phạt vi phạm, nâng cao công tác giám định hàng hóa và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống phân phối ở thị trường nội địa./.