“Có quá nhiều vấn đề đặt ra để hàng Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU” - Đó là nhận xét chung của nhiều doanh nghiệp kiều bào tại Hội nghị “Cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và và xuất khẩu hàng Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 13/10.

Theo nhiều doanh nghiệp kiều bào, hàng Việt Nam tuy có nhiều cải tiến về chất lượng, nhưng vấn đề mẫu mã, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, cách tiếp cận thị trường và nâng cao sức cạnh tranh để “đạt chuẩn” vào thị trường EU vẫn là những rào cản lớn đặt ra.

Đâu là giải pháp để hàng Việt Nam “vào” được thị trường EU? Bên lề Hội nghị, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary về những vấn đề đặt ra.

gao.jpg

Là một nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, nhưng sản phẩm này vẫn chưa được nhiều người châu Âu biết đến

PV: Thưa ông, tại Hội nghị ông đã nêu ra một câu hỏi: Tại sao hàng hóa Việt Nam lại không thể vào thị trường châu Âu? Vì sao ông lại lựa chọn vấn đề này?

Ông Phạm Ngọc Chu:Trong cộng đồng người Việt sống ở châu Âu, tôi kinh doanh ở ngành bán lẻ - một lĩnh vực ít người Việt kinh doanh. Hệ thống cửa hàng bán lẻ ở châu Âu là như thế nào? Chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với người dân châu Âu, nên hiểu tâm lý, phong cách, thị hiếu của họ. Cho nên tôi về đây để nói rằng, tại sao hàng Việt Nam lại không thể thâm nhập thị trường? Tôi cũng muốn dẫn ra một số chứng minh tại sao hàng Việt Nam mình lại khó bán ở thị trường châu Âu, cho dù hàng của chúng ta chất lượng rất tốt.

PV:Ông có thể nêu những ví dụ cụ thể về vấn đề này?

Ông Phạm Ngọc Chu:Việt Nam xuất khẩu mạnh nhất là hai mặt hàng cà phê và gạo. Trong siêu thị của tôi có rất nhiều mặt hàng được bày bán, trong đó bán chạy nhất vẫn là mỳ ăn liền, gạo và cà phê. Tuy nhiên, so với các sản phẩm cùng loại của các hãng khác, sức cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam rất yếu, dù hàng của mình rất ngon, rẻ hơn.

Xin nêu một ví dụ cụ thể. Siêu thị của tôi có rất nhiều mặt hàng gạo từ Thái Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, trong số đó, gạo Việt Nam dù được bày bán, nhưng có ít người mua. Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là mẫu mã. Trên bao bì gạo Việt Nam là hình một cô gái trông rất xấu, nhìn cô ấy như đang bị đau bụng. Như vậy là không phù hợp. Ở bên kia (châu Âu - PV), những mặt hàng giấy vệ sinh dùng hàng ngày, người ta còn in ảnh một cô gái đang cười. Tại sao chúng ta lại đưa hình một cô gái như vậy - đó là vấn đề marketing.

Ví dụ thứ hai là cà phê. Trong cửa hàng của tôi bán rất nhiều loại cà phê, trong đó có cà phê Trung Nguyên G7, nhưng cà phê các nước khác bán chạy hơn. Trong vòng 1 năm thôi, cà phê của họ đã chiếm lĩnh được thị trường. Vấn đề ở đây vẫn là mẫu mã.

Phân tích về marketing, trên thế giới, người ta không bao giờ dùng mã số để làm bao bì cho đồ ăn. Hãng Nestlé làm hạt cà phê rất thơm, còn của mình làm như hạt đậu. Người châu Âu có thói quen uống cà phê nóng vì họ ở xứ lạnh. Bản thân cái cốc của họ phải có gam màu đỏ, mầu nâu, mang tới cảm giác ấm cúng. Trong khi đó, bao bì cà phê của chúng ta lại là in hình những viên đá. Người ta sẽ nghĩ đây là cà phê lạnh, vì thế sẽ không ai mua nữa, mặc dù hàng chúng ta rất rẻ, rất ngon.

PV:Như ông vừa phân tích, rõ ràng chúng ta đang rất yếu về khâu marketting và khâu quảng bá? Phải chăng cần có một sự thay đổi về tư duy?

Ông Phạm Ngọc Chu

Ông Phạm Ngọc Chu: Tôi hiện là Phó Chủ tịch Uỷ ban hợp tác Kinh tế Việt Nam - Hungary thuộc phòng Thương mại Budapest. Vừa rồi Sứ quán có giao nhiệm vụ cho chúng tôi tổ chức một số cuộc Hội thảo, mời doanh nghiệp Việt Nam sang Hungary để tìm hiểu người châu Âu người dùng hàng thế nào? Thị hiếu ra sao?... Đây là một ý tưởng hay vì nó sẽ giúp chúng ta trong khâu marketting.

Mọi người thường nghĩ rằng người châu Âu khó tính. Thực ra không phải vậy. Theo tôi, vấn đề là chúng ta không biết “làm hàng”. Hôm qua tôi có đi thăm một số cửa hàng đồ gỗ. Những sản phẩm ở đây được chạm trổ rất đẹp, nhưng mang sang châu Âu có khi lại không bán được, bởi châu Âu là xứ lạnh, mình phải thiết kế ghế có đệm và chúng ta nên chú trọng những hàng đại trà như ghế đẩu ngồi ăn trong gia đình.

Thứ 2 là vấn đề thị hiếu. Các nhà xuất khẩu phải luôn có những mặt hàng phù hợp với châu Âu. Hàng hóa Việt Nam rất phong phú, nhưng lại không phù hợp. Chẳng hạn như cửa hàng gốm, có rất nhiều bình hoa, bát ăn cơm, cốc uống chè… Tuy nhiên, ở bên kia, họ thường uống chè bằng cốc rất to hoặc ăn bằng đĩa. Như vậy, nhà sản xuất phải có hàng trăm mẫu mã để tung vào thị trường EU. Dù chúng ta có nhiều mặt hàng, nhưng chưa hướng về thị trường này.

PV:Như ông vừa phân tích, đang có nhiều rào cản đặt ra đối với hàng Việt Nam. Vậy, để hàng Việt Nam vào thị trường EU, đặc biệt là hệ thống cửa hàng bán lẻ, ông có gợi ý gì?

Ông Phạm Ngọc Chu:Thực sự chúng ta có một sai lầm. Khi tung hàng ra bán, chúng ta thường muốn thu hồi lợi nhuận luôn. Điều khác biệt giữa chúng ta với Trung Quốc và các nhà xuất khẩu khác là ở chỗ, họ tung mặt hàng đầu tiên ra là để thâm nhập và thăm dò thị trường.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hỏi tôi rằng, mình nên tung hàng ra hay mình đi bán sẽ tốt hơn? Tôi khuyên mọi người nên tự đi bán, bởi có đi bán mới hiểu được thị trường. Nếu không tự đi bán, không cẩn thận rất dễ bị đánh cắp thương hiệu.

PV:Nhân chuyện ông vừa đề cập đến việc đánh cắp thương hiệu. Như chúng ta đều biết, thời gian gần đây, 2 mặt hàng của Việt Nam là cà phê Buôn Ma Thuột bị mất thương hiệu và nước mắm Phú Quốc bị xâm hại thương hiệu. Từ góc nhìn của một doanh nhân ở châu Âu, theo ông các doanh nghiệp trong nước cần chú ý đến vấn đề đầu tư thương hiệu như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Chu:Đầu tư thương hiệu theo tôi phải làm liên tục. Ví dụ gói mỳ ăn liền, chúng ta quanh năm, suốt tháng chỉ có một kiểu mỳ gói như thế này, tại sao chúng ta không tung ra kiểu 10 gói (châu Âu gọi là weekend) để ăn cuối tuần. Chúng ta không đầu tư thương hiệu lâu dài, khi bị mất rồi mới nói đến chuyện đòi lại. Đó là cái yếu của mình.

Doanh nghiệp Việt Nam nhiều lúc sai lầm, họ có thể sẵn sàng hạ giá để bán được nhiều hàng hơn, nhưng lại không chịu đầu tư 5% - 10% cho thương hiệu. Đây là điều bất hợp lý khiến doanh nghiệp chúng ta bị hạn chế trong việc xây dựng hình ảnh của mình.

Xin cảm ơn ông!./.