Thị trường chệch khỏi đường ray cung - cầu
Tuần qua, tỷ giá USD trên thị trường đã tăng tới 300 đồng/USD, thậm chí có ngày tăng gần 200 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm cũng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng hơn 100 đồng/USD. Đây là phản ứng đương nhiên của thị trường và nhà điều hành khi trên thế giới, đồng bạc xanh đạt mức giá kỷ lục trong vòng 14 năm qua.
Phản ứng này của thị trường, theo giới chuyên gia và cả lãnh đạo các ngân hàng, là hoàn toàn theo “sóng đầu cơ” USD của thế giới, chứ không liên quan đến cung - cầu trong nước và càng không liên quan đến khả năng phá giá VND của NHNN.
Tuy nhiên, có hai vấn đề quan trọng đặt ra lúc này: liệu tỷ giá biến động lần này có thực là phản ứng nhất thời và NHNN có nên giữ ổn định tỷ giá?Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng kịp thời và đầy đủ.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cũng nhận định: “Từ giờ đến cuối năm, tỷ giá khó tăng mạnh vì nhập khẩu năm nay tăng trưởng thấp, nên không gây nhiều áp lực cho tỷ giá. Do vậy, không thể phát sinh kỳ vọng NHNN điều chỉnh tỷ giá 1-2% như những năm trước”.
Rõ ràng, với nguồn cung ngoại tệ hiện nay, ngay cả trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 12 tới, thì khả năng giữ ổn định tỷ giá của NHNN là “trong tầm tay”.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường thế giới có dấu hiệu tâm lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước đó, giới đầu tư từng đặt cược vào vàng trước cuộc bầu cử Mỹ để rồi thua lỗ nặng nề. Bởi vậy, không có gì bảo đảm USD sẽ nhanh chóng “vỡ trận” như vàng khi yếu tố tâm lý qua đi.
Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, có thể thấy, nếu loại trừ “sóng tỷ giá” diễn ra tuần qua, thì từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước hầu như đứng im, trong khi nhiều quốc gia khác đang phá giá đồng nội tệ (tuần qua, đồng tiền của nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… liên tục giảm giá), gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, tỷ giá cần được điều chỉnh sâu hơn nữa để hỗ trợ xuất khẩu.
Tất nhiên, quan điểm này không phải ai cũng đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ giá thời gian qua đã linh hoạt bám đuổi diễn biến của những đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ (có đồng tiền tăng giá, có đồng tiền giảm giá). Điều quan trọng nhất đối với Việt Nam là phải ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, tỷ giá và lãi suất đóng vai trò quan trọng. Hơn nữa, tỷ giá biến động gần đây có thể chưa phản ánh đúng xu hướng thị trường, mà có thể còn mang nặng yếu tố tâm lý. Do vậy, việc NHNN vừa điều chỉnh linh hoạt, vừa phát ra thông điệp ổn định tỷ giá và thận trọng theo dõi sát diễn biến thị trường là hành động khôn ngoan.
Đừng để sóng tỷ giá lan sang lãi suất
Có thể thấy, thành tựu lớn nhất của NHNN trong mấy năm gần đây là hiện tượng vàng hóa, đô-la hóa và đầu cơ ngoại tệ, đầu cơ vàng đã giảm hẳn. Chính vì vậy, những cơn nóng lạnh của thị trường vàng, ngoại hối… đã không còn làm chao đảo nền kinh tế như trước.
Thế nhưng, TS. Nguyễn Đức Thành cảnh báo, khi cơn địa chấn này lan rộng, lãi suất tiền gửi sẽ phải tăng lên để kháng cự, rồi sau đó xuất hiện một loạt dư chấn khác, nếu nhà điều hành không có những chính sách sáng suốt.Thực tế, trong vòng một tuần qua, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tín phiếu NHNN đã có biểu hiện tăng nhanh trở lại. Nếu như cách đây một tháng, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ ở mức 0,3 - 0,4%/năm, thì tuần qua đã vọt lên trên 1%/năm, tức cao gấp 3 lần so với trước đây. Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng… cũng tăng mạnh. Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua.
Giới phân tích cho rằng, lãi suất liên ngân hàng tăng một phần do thị trường bắt đầu bước vào mùa cao điểm, nhu cầu sử dụng vốn tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là động thái chủ động của NHNN nhằm nâng cao giá trị VND, đối phó với sự lên giá mạnh của USD.
Hiện tại, lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn được các ngân hàng thương mại giữ ổn định. Yếu tố lớn nhất để hỗ trợ lãi suất hiện nay là thanh khoản tương đối dồi dào trong khi tín dụng tăng trưởng chậm, khách hàng lớn nhất là trái phiếu chính phủ đã hoàn thành chỉ tiêu huy động. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục chủ trương giảm lãi suất sâu thêm nữa.
Mặc dù vậy, nếu tỷ giá vẫn tiếp tục nóng, rất có thể dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển kênh đầu tư, lúc đó, lãi suất huy động và cho vay sẽ phải tăng theo. Đây là hệ lụy lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng GDP suy giảm so với năm ngoái, các doanh nghiệp đang chật vật để phục hồi./.