Như VOV đã thông tin, trước những diễn biến bất lợi của giá lúa gạo tại ĐBSCL, sáng nay (26/02), tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

vov_hoi_nghi_sjew.jpg
Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là hội nghị được kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài giúp cho sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vượt qua những khó khăn và phát phát triển căn cơ hơn; cũng như duy trì sự tích cực của xuất khẩu gạo như trong những năm vừa qua.

Thực trạng giá lúa gạo mà Bộ NN&PTNT nêu ra cho thấy từ cuối năm ngoái, giá lúa tươi tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2 này, sụt xuống còn 4200 đồng-4400 đồng/kg; loại thóc hạt dài OM 504 giảm còn 4500 đồng/kg. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phân tích những điểm nghẽn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; sản xuất thiếu tính bền vững...

Về mặt nội tại, các yếu tố tác động đến sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cũng thể hiện rất rõ. Thời vụ xuống giống tập trung, né hạn mặn, dịch hại vào tháng 10, 11 và thu hoạch tập trung vào tháng 2 và 3.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường phân tích những điểm nghẽn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn các năm trước. Việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp chưa được công bố kịp thời nên thương lái thu mua chưa nhiều. Cùng với đó, một số nước nhập khẩu gạo thông tin sẽ thu mua chậm hơn so với các năm trước.

Bên cạnh đó, năng lực thu mua tạm trữ của doanh nghiệp còn yếu. Chính vì vậy, sự vào cuộc nhanh của ngân hàng và doanh nghiệp sau chỉ đạo của Thủ tướng góp phần rất lớn để giải quyết những khó khăn trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.

Trong tháng đầu của năm nay, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt hơn 370 nghìn tấn với giá trị đạt 167 triệu USD, giảm hơn 24% về khối lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc chững lại. Một số thị trường khác vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc; hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường./.