Càng gần thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu ở các tỉnh vùng ven biên giới Tây Nam ở khu vực ĐBSCL lại diễn ra ồ ạt, khó kiểm soát. Các mặt hàng thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm nhập lậu đổ về theo nhiều hướng làm cho lực lượng chức năng “căng mình” thực hiện chức trách nhưng cũng không kiểm soát xuể.
Cứ vào tháng cận tết, ở các địa phương nằm ở khu vực biên giới Tây Nam như An Giang và Đồng Tháp, tình trạng buôn lậu “nóng” hơn bao giờ hết. Tại khu vực biên giới Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp những ngày này, để cung ứng hàng cho các địa phương trong nội địa, các đầu nậu đã tăng cường thuê người vận chuyển hàng lậu qua tuyến biên giới nhất là địa bàn xã Thường Phước 1, Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự; xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng và xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự.
Từ ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, nhìn qua bờ bên kia sông Sở Thượng là hàng loạt kho chứa hàng kiên cố dọc tuyến biên giới. Chỉ cần một phút lơi lỏng, các đối tượng đã có thể tuồn hàng qua bên này sông. Để rồi sau đó, hàng nhập lậu được phân tán qua các “chân rết” để đến nơi cần tiêu thụ.
Theo Đại úy Lê Đình Nam, Phó đồn trưởng đồn biên phòng Cầu Muống, huyện Hồng Ngự, đây là địa điểm có vị trí địa lý thuận lợi để vận chuyển hàng lậu vào nội địa. Chính vì thế, lực lượng phối hợp luôn túc trực tại các điểm “nóng” để “đối đầu” với những đối tượng vận chuyển hàng lậu.
“Đơn vị thường xuyên phối hợp các đơn vị trên địa bàn để tổ chức lực lượng ngăn chặn ở một số khu vực trọng điểm, nhất là ở ấp 1, xã Thường Thới Hậu B để thường xuyên kiểm tra, tổ chức mật phục”, Đại úy Lê Đình Nam cho biết.
Trong đó, khi có điều kiện thuận lợi thì các đối tượng buôn lậu nhanh chóng vận chuyển qua các đường mòn, kênh rạch, như đường Cộ, rạch Cây Gáo, rạch Chắc Ri… qua biên giới về các điểm tập kết tại khu vực ấp Vĩnh Chánh 1, 2, 3, phường Vĩnh Ngươn; khóm Vĩnh Chánh, khóm Vĩnh Phú, khóm 7, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc. Riêng tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, hàng nhập lậu qua địa bàn khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên tiếp giáp với huyện Krivong, tỉnh Tà Keo, Campuchia.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, cùng với các thủ đoạn buôn lậu thuốc lá, mỹ phẩm thì đường cát nhập lậu trong thời điểm gần đây có dấu hiệu đối phó tinh vi. Các đối tượng buôn lậu sử dụng lòng vòng hóa đơn giá trị gia tăng của các công ty, nhà máy sản xuất đường trong nước, hồ sơ mua hàng tịch thu của Nhà nước để “biến” đường lậu thành đường nội hợp pháp.
Chính vì thế, để xử lý tình trạng gian lận này, các ngành chức năng ra quân đồng loạt để giám sát, kiểm tra. Trong đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp ngành chức năng thành lập nhiều tổ kiểm tra liên ngành tại các huyện, thị xã khu vực biên giới, chuyên kiểm tra và xác nhận hoạt động nhập hàng các kho đường cát.
“Đây là vấn đề mà phía điều hành của ban chỉ đạo 389 và địa phương rất quan tâm. Sở Công Thương sẽ tập trung xác định trọng điểm để dồn sức trấn áp một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền lồng ghép bằng chương trình cụ thể, giúp cho người dân huyện biên giới nhận thức được vấn đề buôn lậu để không tiếp tay với người buôn lậu và để cùng tố giác và cùng các lực lượng giải quyết tốt việc chống buôn lậu”, bà Tuyết cho biết thêm.
Liên tục trong nhiều năm qua, cứ vào thời điểm giáp Tết, hàng nhập lậu sau khi vượt qua được biên giới, hệ thống “chân rết” vận chuyển sẽ tìm mọi cách, thủ đoạn để vận chuyển nhỏ lẻ, tuồn sâu vào nội địa. Trong đó, TP HCM, Cần Thơ và những khu vực trung tâm khác luôn là nơi hàng lậu tập kết để tiêu thụ.
Đại tá Trần Thanh Chàng, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Cần Thơ nêu rõ, tình hình gian lận thương mại và buôn lậu hiện diễn biến rất phức tạp. Trong đó, việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vẫn diễn ra nhiều phương thức thủ đoạn, tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
“Hàng nhập lậu được thu gom ở các tuyến biên giới sau đó được phân tán đi nhiều nơi, nhiều ngả đường thủy, đường bộ. Từ đó mới phân tán mỏng ra cho các cửa hàng, cửa hiệu. Biết được quy luật này, lực lượng cảnh sát kinh tế cùng với các lực lượng khác sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường”, Đại tá Trần Thanh Chàng cho biết.
Hiện tại, công tác chống buôn lậu đã được các địa phương trong khu vực ĐBSCL triển khai quyết liệt; lực lượng được tăng cường và túc trực 24/24 tại các điểm nóng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong khi cơ sở vật chất của các tổ, chốt kiểm tra liên ngành còn tạm bợ, lực lượng chống buôn lậu quá mỏng thì các đối tượng “tai mắt” của bọn buôn lậu lại rất đông, dễ dàng trong việc cử người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để cảnh giác cho đồng bọn thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, quy định pháp luật còn chồng chéo, mức xử lý hành vi buôn lậu chưa đủ sức răn đe. Do đó, buôn lậu ở khu vực biên giới Tây Nam đã và đang có những diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm gần tết như hiện nay./.