Trao đổi bên hành lang Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, nhiều đại biểu đặt vấn đề: sửa luật có giải quyết được tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công?
Giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng chậm. (Ảnh minh hoạ: Infonet) |
Vốn đầu tư phân bổ chậm
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính và Ngân sách, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định, cần thay đổi quy định lựa chọn dự án đầu tư trong kế hoạch trung hạn.
Theo ông Cường, giải ngân chậm trước hết là bởi vốn đầu tư phân bổ chậm, song ngay cả khi có giao vốn đúng hạn, chủ đầu tư cũng chưa thể giải ngân ngay được tiền vốn mới giao. Thủ tục này thường kéo dài cho nên dù vốn có rồi nhưng cũng không thể giải ngân khi chưa xong thủ tục đấu thầu, dự toán chưa được phê duyệt chính thức.
Do đó, ông Cường cho rằng, một trong những yêu cầu cấp thiết cần sửa đổi Luật Đầu tư công là thay đổi quy định phương thức lựa chọn dự án đầu tư được đưa vào phân bổ vốn trong số các dự án thuộc danh mục dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo quy định của Luật Đầu tư công hiện hành, để được phân bổ vốn đầu tư hằng năm, dự án phải được phê duyệt đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn, có nghĩa là dự án này phải được xây dựng và thẩm định sơ bộ từ 5 năm trước kỳ kế hoạch. Đến đầu năm kế hoạch, dự án nào được lựa chọn đưa vào kế hoạch năm thì dự án đó mới được phân bổ vốn đầu tư và khi đó mới bắt đầu chuẩn bị các thủ tục triển khai.
Thông thường, sau thời gian 5 năm, các thông số ban đầu đã có nhiều thay đổi, nội dung tính toán, đề xuất dự án trở nên lạc hậu, đến khi được phân bổ vốn mới biết chính thức dự án được triển khai, mới bắt tay vào chuẩn bị lại dự án. Vì vậy, vốn đầu tư đã được phân bổ nhưng không thể giải ngân ngay được vì còn mất thời gian chờ đợi để chuẩn bị lại dự án.
Để khắc phục tình trạng này, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc sửa đổi Luật Đầu tư công nên bổ sung thêm kế hoạch đầu tư công ba năm theo phương thức cuốn chiếu (năm kế hoạch cộng với hai năm dự kiến tiếp theo). Những dự án được đưa vào kế hoạch đầu tư công ba năm thì có nghĩa là gần như chắc chắn sau hai năm nữa sẽ được phân bổ vốn. Như vậy, dự án đó sẽ có hai năm để rà soát, hoàn thiện lại và chuẩn bị đầy đủ các thủ tục pháp lý. Đến năm kế hoạch được phân bổ vốn, dự án đã có đầy đủ thủ tục và bắt tay vào giải ngân được ngay.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Cường lưu ý: Cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hoặc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng quy định. Phải cương quyết xử lý các dự án chưa đủ điều kiện giải ngân vốn, hoặc giải ngân chậm, cần thu hồi vốn không đủ điều kiện giải ngân để bổ sung sớm cho các dự án khác có đủ khả năng triển khai.
Sửa luật chỉ mang tính "chữa cháy"?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Với tư cách người chủ trì thẩm tra Luật Đầu tư công, tôi có thể khẳng định những yếu tố khiến giải ngân chậm đầu tư công trong 2 năm vừa qua không nằm trong nội hàm luật mà do tư duy cán bộ giao triển khai. Bản thân mỗi bộ ngành, địa phương trên nguồn vốn trung hạn được phân, phải tự quyết dự án nào làm trước, dự án nào làm sau để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Tuy nhiên thực tế, chúng ta vẫn chưa kịp chuyển đổi tư duy làm theo luật, theo kế hoạch cân đối với nguồn lực quốc gia".
Dự luật Đầu tư công mới đi vào vận hành hơn 3 năm, trong đó còn chưa làm tốt nhiều quy định về vốn đầu tư trung hạn, triển khai phân vốn, thì không thể nói tới những việc khác. Do đó, theo quan điểm của ông Kiên, việc sửa Luật chỉ là hình thức "chữa cháy" chứ không thể đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong các năm khác.
Các dự án đầu tư công đều phải điều chỉnh vốn
Theo đánh giá của đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các dự án đầu tư công đều phải điều chỉnh vốn.
Thực tế, để phê duyệt, triển khai một dự án đầu tư công, ngoài Luật Đầu tư công còn liên quan tới Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... Phân vốn chỉ là giai đoạn đầu. Theo Luật Đầu tư công, tất cả công trình đều phải được đưa vào kế hoạch dài hạn 5 năm. Khi triển khai phải lập trình tự từ dưới lên trên và được chốt trong khung kế hoạch đó.
"Trong trường hợp được phê duyệt chủ đầu tư muốn triển khai phải lập dự án, lập thiết kế cơ sở trình lên Bộ Xây dựng - đây chính là nút thắt lần hai. Đi vào triển khai nếu vướng mắc phát sinh, buộc điều chỉnh lại vốn, lại phải báo cáo lên Bộ KH-ĐT, quay về thẩm định lại. Mà hồ sơ giải trình còn phức tạp hơn ban đầu", ông Sinh nói.
Thực tế, tất cả các dự án đầu tư công đã và đang triển khai đều phải điều chỉnh vốn. Một năm cả nước có khoảng 2.000 công trình đầu tư công, trong khi đầu mối giải quyết thủ tục lại tập trung vào 2 Bộ KH-ĐT và Xây dựng. Thậm chí nếu dự án phát sinh vốn lớn còn phải trình Quốc hội điều chỉnh.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, còn các yếu tố khác dẫn tới giải ngân chậm như công tác giải phóng mặt bằng, năng lực của nhà thầu… So với dự án tư nhân, đầu tư công đang đi ngược lại theo hướng: Làm dự án rất nhanh nhưng sai sót rất nhiều, triển khai chậm, hiệu quả lại thấp.
Chậm tiến độ không nằm ở cơ quan lập pháp
Phát biểu tại phiên thảo luận về Luật đầu tư công (sửa đổi) tại Hội trường ngày 28/5, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề cập đến nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Bà Mai cho hay: Qua giám sát thực tế và qua Báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân chính là do tổ chức thực hiện, do triển khai giải phóng mặt bằng chậm, do năng lực nhà thầu còn hạn chế.
"Đến chiều 27/5 chúng tôi kiểm tra lại thông tin và đến giờ phút này nhiều địa phương vốn kế hoạch năm 2019 chưa được giao. Nên lý do chậm tiến độ không nằm ở cơ quan lập pháp", bà Mai nói.
"Việc trình Quốc hội có làm tốn giấy mực không?", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi. Ở trong Báo cáo 213 Chính phủ có nêu việc trình Quốc hội sẽ kèm theo rất nhiều phụ biểu gây tốn kém, lãng phí. "Chúng tôi nghĩ rằng đó không phải là lý do. Trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta thực hiện Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử thì mọi tài liệu đều có thể biến từ bản giấy thành file điện tử", bà Mai nêu rõ./.