Năm 2008, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp liên tục phát triển và thu được những kết quả đáng kể. Phóng viên VOV phỏng vấn Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp Phạm Xuân Yên về những kết quả đạt được trong quan hệ trao đổi thương mại giữa 2 nước năm qua.

** Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về kết quả quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pháp trong năm qua. Theo ông, điểm nhấn quan trọng của quan hệ thương mại Việt-Pháp trong năm 2008 là gì, đặc biệt trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm nay, khi Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU)?

- Tham tán Phạm Xuân Yên: Có thể khẳng định, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pháp trong năm 2008 tiếp tục phát triển. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước ước đạt 1,591 tỷ euro, tăng 3% so với năm 2007.

Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Pháp ước đạt trên 1,236 tỷ euro, tăng nhiều so với kế hoạch định hướng được giao. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Pháp vẫn là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản, đồ da và mặt hàng du lịch. Những mặt hàng này chiếm khoảng 71% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp.

Nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam theo dự kiến đạt trên 355 triệu euro, tăng 20% so với năm 2007, chủ yếu là các mặt hàng dược phẩm, sản phẩm điện-điện tử, cơ khí, hóa chất, và bột mì.

Năm 2008, quan hệ thương mại giữa hai nước có nhiều thuận lợi. Trong đó, điểm nhấn quan trọng chính là thời điểm mà hai nước triển khai thực hiện các thỏa thuận, dự án, hợp đồng đã ký kết giữa hai bên nhân chuyến thăm chính thức nước Pháp của Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2007 và chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào tháng 6/2008. Các thỏa thuận, dự án, hợp đồng này đã góp phần rất quan trọng trong việc tăng kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam với Pháp.

Việc Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pháp. Bởi lẽ, Pháp đang cùng Liên minh châu Âu thực thi chính sách thương mại “Mọi thứ trừ vũ khí - EBA”, đồng thời tìm kiếm giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam) thực hiện chính sách cải cách kinh tế có hiệu quả và xóa đói giảm nghèo. Hơn nữa, lãnh đạo Việt Nam và Pháp đều quan tâm phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước và đã thống nhất xác lập khuôn khổ quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy trong thế kỷ 21.

** Trong bối cảnh năm qua, kinh tế thế giới có nhiều biến động, quan hệ, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp đã gặp phải những khó khăn gì, thựa ông?

- Tham tán Phạm Xuân Yên:Trong quan hệ 2 nước năm qua, chúng ta đã có rất nhiều cơ hội, nhưng cũng khá nhiều thách thức. Thứ nhất, mặt hàng giày da của ta đang bị áp thuế chống bán phá giá, từ ngày 1/1/2009, mặt hàng này sẽ bị đưa ra ngoài danh mục thuế quan ưu đãi phổ cập. Cho nên năm 2008 cũng như bước vào năm 2009, mặt hàng giày da của ta sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vào thị trường Pháp. Một khó khăn nữa là Việt Nam chưa nằm trong danh mục các thị trường ưu tiên xuất khẩu của Pháp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tín dụng hay vay tín dụng xuất khẩu.

Đặc biệt, khoảng thời gian cuối năm 2008, xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Pháp tăng trưởng âm. Xuất nhập khẩu khẩu của Pháp bị giảm sút. Sức mua của người dân Pháp cũng giảm. Do đó, những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu phục vụ nhu cầu của dân như về sản phẩm may mặc, giày dép, thiết bị gia dụng xuất khẩu vào Pháp đều bị ảnh hưởng.

** Thưa ông, Văn phòng đại diện thương mại Việt Nam tại Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ, trao đổi thương mại với Pháp. Trong năm tới, Văn phòng có kế hoạch gì nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ, trao đổi thương mại giữa hai nước?

- Tham tán Phạm Xuân Yên: Để đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pháp năm 2009, Thương vụ Việt Nam tại Pháp sẽ phải cố gắng triển khai tốt các nhiệm vụ, kế hoạch định hướng phát triển thị trường mà Bộ trưởng Bộ Công thương giao phó, cũng như sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Đại sứ Việt Nam tại Pháp đối với thị trường Pháp. Trong đó, thứ nhất, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm mở rộng thị trường, thị phần để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển ở trong nước, các mặt hàng sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cao su, thực phẩm chế biến, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm máy tính...

Chúng tôi sẽ kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư và hợp tác công nghiệp; tìm kiếm, vận động các đối tác Pháp tham gia đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho các ngành dệt may, giày dép, sản xuất các nguyên liệu thay thế nhập khẩu, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời thực hiện tốt việc tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán, giúp xử lý khó khăn, vướng mắc về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ tối đa lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn ông./.