Đến nay thành phố Đà Nẵng đã công nhận 18 sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP). Sở Công thương Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều hợp tác xã đang tích cực phát triển, nâng cấp sản phẩm để được đánh giá, phân hạng OCOP.

Cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang lâu nay là điểm đến mua sắm quen thuộc của nhiều người tiêu dùng. Tại đây có gần 100 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của thành phố Đà Nẵng, như gạo các loại, rong biển và nấm.

Ông Nguyễn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 cho biết, người tiêu dùng đã biết đến nhiều hơn các sản phẩm chủ lực của HTX thông qua chứng nhận OCOP. Sản phẩm làm ra tăng gấp nhiều lần so với trước.

Theo ông Sỹ: “Cửa hàng OCOP ở xã Hoà Phong không chỉ có vai trò giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP mà còn là nơi giao lưu với các hợp tác xã, doanh nghiệp. Hiện nay, hợp tác xã đang liên kết với các địa phương để tìm hiểu và nhập thêm các sản phẩm OCOP nông sản đặc trưng với các địa phương khác kết nối và tiêu thụ".

Được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận, phân hạng OCOP 4 sao sản phẩm Tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh, đến nay Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt trời Việt, ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà có thêm nhiều kênh tiêu thụ. Hợp tác xã đã chủ động nâng cấp sản phẩm, tự tin chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao.

Bà Đinh Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt trời Việt cho biết, đơn vị đã tham gia ứng dụng thương mại điện tử để tăng tương tác sản phẩm với người tiêu dùng. Sắp tới, sẽ làm mã QR cho sản phẩm, xin chứng nhận ISO để tăng độ tin cậy về chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.

“Chúng tôi vinh dự nhận được chứng nhận OCOP 4 sao cho sản phẩm Tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh. Trong thời gian sắp tới, kế hoạch của chúng tôi cải tiến về quy trình cũng như là bao bì mẫu mã của sản phẩm để cho ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu các nước trong khu vực" - bà Thư cho biết.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng mới có 18 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; toàn bộ sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm, trong đó, 7 sản phẩm được phân hạng 4 sao và 11 sản phẩm 3 sao. Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) gần 3 tỷ đồng nhằm kết nối sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian đến tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ triển lãm, phiên chợ giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ kết nối cung cầu... Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Sở sẽ hỗ trợ các chủ thể OCOP đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế bao bì, truy xuất nguồn gốc, giới thiệu, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử… để tăng giá trị tiêu thụ, thị trường của sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục triển khai nghiên cứu thực hiện, tổ chức tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng về xúc tiến thương mại và các kỹ năng bán hàng… kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ tham gia các hội chợ do thành phố và các tỉnh bạn tổ chức. Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện hỗ trợ hình thành các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố; góp phần vào làm cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thành phố ngày càng phát triển”./.