Với lợi thế có vùng nước sâu, kín gió, cảnh quan đẹp, Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà được đánh giá hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ ngày có quyết định thành lập, tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút dự án. Thế nhưng, hơn 3 năm đi trôi qua, Khu kinh tế Vân Phong chưa triển khai được nhiều.
Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hoà được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập tháng 4 năm 2006, rộng 150.000 hécta, thuộc phạm vi 21 xã, thị trấn của 2 huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà.Đây là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà, đến nay Khu kinh tế Vân Phong có 79 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 25 dự án nước ngoài với tổng nguồn vốn hơn 15 tỷ USD. Tuy nhiên, hầu hết các dự án được cấp phép đi vào hoạt động đều nhỏ, nguồn vốn ít. Một vài dự án lớn có vai trò kích cầu sự phát triển của Khu kinh tế Vân Phong như Tổ hợp Lọc hoá dầu Petrolimex, Trung tâm nhiệt điện Vân Phong dù đã được cấp phép nhưng lại chưa có trong qui họạch, cho nên nhiều dự án chậm triển khai.
Điển hình cho sự chậm trễ là Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 200 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, theo kế hoạch, khởi công vào đầu năm 2008, nhưng đến nay vẫn chỉ là dự án trên giấy.
Tương tự, dự án Khu phức hợp Công nghiệp nặng STX VNA Tập đoàn STX Hàn Quốc làm chủ đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa xác định thời gian triển khai. Một dự án lớn được xem là triển khai sớm và suôn sẻ nhất là Kho xăng dầu ngoạn quan Vân Phong, vốn đầu tư 100 triệu USD, hiện đã hoàn thành 50% khối lượng công việc. Thế nhưng, tiến độ thi công đang chậm lại do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Quế, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh trách nhiệm hữu hạn Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong cho biết: “Khi triển khai có nhiều vướng mắc. Vướng mắc đầu tiên là giải phóng mặt bằng, từ khi làm đến khi giải phóng xong mặt bằng phải mất 2 năm. Vừa rồi, do khủng hoảng kinh tế toàn thế giới cho nên thu xếp cũng khó”.
Ông Nguyễn Trọng Hoà, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết: toàn bộ dự án nằm trên địa bàn 21 xã, thị trấn. Vì vậy kinh phí để đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, cần ít nhất 10.000 tỷ đồng, trong đó 3.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Thế nhưng, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho tỉnh Khánh Hoà mỗi năm chừng 40 tỷ đồng, quá ít so với nhu cầu, chỉ đủ nâng cấp một vài tuyến đường, gây bất lợi trong quá trình xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai dự án.
Một nguyên nhân nữa làm chậm trễ việc triển khai dự án là còn chồng chéo trong quản lý điều hành, phân cấp quản lý đầu tư và qui hoạch dự án. Đơn cử việc lựa chọn giữa Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và Dự án Tổ hợp nhà máy cán thép đầu tư vào vịnh Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh thiếu nhất quán. Khi chuẩn bị khởi công cảng trung chuyển, lại tạm dừng để xem xét Dự án Tổ hợp nhà máy cán thép, đến khi quay lại tiếp tục thực hiện Dự án Cảng trung chuyển thì đúng vào thời điểm kinh tế thế giới suy giảm, các nhà đầu tư gặp khó khăn trong huy động vốn. Sự chậm trễ trong việc triển khai Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các công trình phụ trợ khác.
Ông Phạm Văn Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Vân Phong cho biết: “Ngay từ đầu, công ty xin ý kiến của UBND tỉnh và Bộ Xây dựng được phép qui hoạch chi tiết khu phi thuế quan 940 hécta và tháng 10/2006 đến nay, qui hoạch chi tiết này vẫn chưa được phê duyệt nên chưa triển khai được gì. Vì vậy, ngoài một số tuyến đường, đường dây điện cao thế đã có từ trước, về cơ bản, Khu kinh tế Vân Phong, sau khi có quyết định thành lập vẫn y như cũ”.
Sự chậm trễ trong triển khai xây dựng Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hoà đã ít nhiều làm hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hoà. Đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, việc làm của hàng nghìn hộ dân trong vùng dự án. Ông Phan Văn Ni, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà nói: “Được đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, trước mắt vùng dự án đã giải toả 88 hộ dân, tiếp sau đây sẽ giải toả 600 hộ. Tuy nhiên bây giờ Khu kinh tế triển khai chưa đâu vào đâu cả. Chưa có nhà đầu tư nào vào đầu tư… chưa có dự án nào sắp xếp chuyển đổi nghề nghiệp cho cư dân”.
Để tiềm năng thành cơ hội phát triển
Tiềm năng to lớn của Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà đã được các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp thừa nhận. Vịnh Vân Phong có độ nước sâu hiếm có, từ 20- 27 mét, được đồi núi che chắn bốn phía, địa chất tốt, gần các tuyến hàng hải lớn quốc tế. Đây là vị trí thuận lợi, điều kiện lý tưởng để xây dựng công trình cầu cảng trung chuyển, công trình dân dụng, vốn đầu tư xây dựng giảm từ 60 đến 80% vì không phải làm đê chắn sóng, không cần nạo vét luồng tàu chạy, khu vực cảng.
Vì vậy, tỉnh Khánh Hoà cần đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, khai thác lợi thế, tiềm năng sẵn có để sớm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành như mục tiêu đã đặt ra. Trước mắt là nhanh chóng triển khai dự án Cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong, ưu tiên nguồn vốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư yên tâm vào khu kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Khánh Hoà và khu vực Nam Trung bộ./.