Trong vài năm trở lại đây, nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi mặt đời sống, Việt Nam đã có những thành tựu nhất định được khu vực và quốc tế ghi nhận.

Việt Nam đã lọt vào top 10 nước gia công phần mềm, được UNESCO công nhận 2 Trung tâm khoa học Quốc tế dạng 2 và được bảo trợ, là một trong 4 nước trên thế giới tự sản xuất được vaccine Rota phòng bệnh tiêu chảy… Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, để nền kinh tế có thể thực sự cất cánh, Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào khoa học công nghệ.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá, Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng khoa học công nghệ sẵn có. Cụ thể là lợi thế của người đi sau, khoảng cách công nghệ với thế giới khá lớn, vì vậy, nếu tận dụng được lợi thế “đứng trên vai người khổng lồ” sẽ đem lại tăng trưởng tốt cho Việt Nam.

 

le_dang_doanh_niah.jpg
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rẳng, Việt Nam cần tạo ra động lực để doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ.
Thêm vào đó, Việt Nam đang là quốc gia tiên phong khá mạnh mẽ trong việc toàn cầu hóa và công nghệ thông tin. Cùng với sự hội nhập sâu với thế giới, nắm bắt được công nghệ thông tin khá tốt, Việt Nam có cơ hội trong 3 kênh là: “Học hỏi nhanh”; “học để nhảy vọt” và “đột phá đi vào những lĩnh vực hàng đầu”.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, số tiền phục vụ cho hoạt động khoa học công nghệ chưa cao: Năm 2014 là 2% ngân sách nhà nước, tương đương với 13.600 tỷ đồng (khoảng 70 triệu USD). Nghĩa là Việt Nam phát triển khoa học công nghệ chủ yếu nhờ vốn ngân sách, trong khi, hầu hết các nước có nền khoa học công nghệ hiện đại phát triển nhờ vào đầu tư của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá: “Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay còn rất khiêm tốn, thể hiện trên tổng yếu tố khoa học công nghệ và tổng yếu tố năng suất lao động mới khoảng 26%, trong khi của Hàn Quốc và một số quốc gia ở ASEAN là 50%. Như vậy có nghĩa chúng ta đã dựa quá nhiều vào lao động giá rẻ và tiền vốn hỗ trợ để tăng trưởng. Điều này không bền vững và không nâng cao hiệu quả kinh tế. Việt Nam cần có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Điều quan trọng là tạo ra động lực để doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ.”

Dẫn số liệu mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc đến năm 2020, chứng minh vai trò của khoa học công nghệ, PGS.TS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore cho biết, Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới chỉ trong vòng vài chục năm, từ một nước nghèo khó, lạc hậu đã trở thành con rồng châu Á với nền công nghệ tiên tiến top 10 thế giới. Tỉ lệ chi tiêu cho hoạt động khoa học công nghệ của Hàn Quốc năm 2007 là 3,6% GDP, tương đương 32,4 tỷ USD và tăng lên 5% năm 2020.

PGS.TS Vũ Minh Khương đề xuất, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi cụ thể về đầu tư khoa học công nghệ để doanh nghiệp nhận được những lợi ích trực tiếp. Có như vậy, doanh nghiệp mới có động lực để đầu tư cho khoa học công nghệ.

“Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận được các thông tin về công nghệ. Bởi các doanh nghiệp nhỏ có hạn chế là không hiểu hết các thông tin về khoa học công nghệ. Ví dụ ở Singapore nếu bỏ ra 1 USD đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, Nhà nước sẽ miễn thuế khoảng 30 cent nếu họ có lãi và hỗ trợ họ trong tổng đầu tư. Tức là cần có cơ chế khuyến khích đầu tư khoa học công nghệ. Việt Nam cũng nên học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore. Họ có những viện chuyên tìm hiểu các công nghệ tiên tiến trên thế giới rồi chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Kinh phí hoạt động cho các viện được nhà nước hỗ trợ này là dựa trên lợi ích đem lại cho doanh nghiệp. Đây chính là kết cấu công tư hợp tác với nhau”, PGS.TS Vũ Minh Khương chỉ rõ.

 

PGS.TS Vũ Minh Khương đề xuất, đầu tư khoa học công nghệ cần phải để doanh nghiệp nhận được những lợi ích trực tiếp.
Sự thành công của các nước châu Á trong phát triển kinh tế những năm qua như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… dựa trên cách thức khá giống nhau, trong đó, khoa học công nghệ đều được coi là động lực chủ đạo, đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư khoa học công nghệ tuy đã có ưu đãi như giảm thuế nhập khẩu thiết bị, chuyển giao công nghệ, ưu đãi thuế thuê đất…nhưng việc áp dụng ở địa phương và ngành thuế lại chưa thống nhất. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có sự hướng dẫn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ.

“Rõ ràng hiện nay chính sách chúng ta có nhưng việc tổ chức lại chưa đồng bộ và rất cần có sự phối hợp tốt hơn nữa. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp tốt hơn nữa với Bộ Tài chính, cùng các cơ quan như Cục phát triển Thị trường và Khoa học công nghệ, Tổng cục thuế để có thể hướng dẫn cho tất cả các cục thuế ở các tỉnh, thành phố thực hiện và áp dụng cho các doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, nếu không tiếp tục đổi mới chính sách phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt sẽ mất thị phần và có nguy cơ tụt hậu ngay trên sân nhà./.