Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 7 năm nay, cả nước thu hút được gần 13 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một khởi đầu thuận lợi, dự báo một năm thành công của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khẳng định Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, tình hình thu hút FDI trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Đây cũng là bài toán dài hạn cho các nhà quản lý trong thời gian tới.

fdi1_cbwr.jpg
Tính lan tỏa về công nghệ từ các doanh nghiệp FDI gần như không có. (Ảnh minh họa: KT)
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng qua, cả nước có 2.068 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn với tổng vốn đăng ký đạt 12,94 tỷ USD, tăng mạnh cả về số dự án và số vốn cam kết so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách Nhà nước và 20% GDP của Việt Nam.

Sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp này không chỉ đơn thuần cho tăng trưởng, mà còn tạo nên thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Song, đây vẫn chưa phải biểu hiện tích cực duy nhất của dòng vốn FDI.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, khối FDI đã nổi lên là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, thể hiện ở dòng vốn giải ngân tăng mạnh chưa từng có. Cụ thể, năm 2015 tăng trưởng vốn FDI thực hiện đạt hơn 12%, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Tuy nhiên, tính đến tháng 7 năm nay, con số này thậm chí còn cao hơn, tăng tới 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, xu thế thu hút đầu tư nước ngoài năm nay là hệ quả rất tích cực của hội nhập.

“Giải ngân tăng chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài khá yên tâm, thể hiện việc thu hút nước ngoài vào Việt Nam đã bắt đầu thực sự tốt hơn, đó là điều mà chúng ta rất mong muốn và kỳ vọng”, ông Toàn nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, nhiều ý kiến lại tỏ ra lo lắng về những hậu quả tiêu cực của khu vực FDI. Theo kết quả nghiên cứu tác động môi trường của khối FDI tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây, từ năm 2011 - 2015, ngày càng có nhiều doanh nghiệp có công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng, khả năng phát thải cao như dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang – thép… mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

PGS.TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mang theo công nghệ thấp, không những ảnh hưởng tới môi trường mà tính lan tỏa về công nghệ từ các doanh nghiệp này cũng gần như không có.

“Trong 25 năm thu hút FDI có thể thấy 80% công nghệ của khu vực FDI về Việt Nam là công nghệ trung bình, công nghệ cao chỉ chiếm 6%. Với việc doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu để tận dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ thì rõ ràng Việt Nam phải chấp nhận nếu muốn dựa vào FDI để tăng trưởng”, PGS.TS. Tô Trung Thành nhận định.

Không chỉ vậy, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước.

Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều doanh nghiệp khai lỗ liên tục trong nhiều năm liên tục gây khó cho các cơ quan quản lý, khiến dư luận bức xúc.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, nghi vấn có nhiều nhưng việc xử lý thì phải có căn cứ pháp luật.

“Trường hợp này rất khó khi mà Việt Nam chỉ quản lý, xử lý doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, còn việc chuyển giá, nhập khẩu, lách thuế, trốn thuế lịa liên quan đến nhiều quốc gia. Khi không chứng minh bằng các đầu mối thì không giải quyết được câu chuyện bất hợp lý”, Luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ.

Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần sớm triển khai nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan về đầu tư trực tiếp nước ngoài để có những chính sách phù hợp, nâng cao hiệu quả của dòng vốn này.

“Phân cấp quản lý là một chủ trương rất đúng nhưng quản lý sau phân cấp là gì và quy định phân cấp quản lý thế nào vẫn cần phải xem xét lại và phải có những điểm đổi mới. Trong Nghị quyết 108 và tất cả những chỉ thị gần đây của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ về quản lý đầu tư nước ngoài. Có nghĩa là không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, nhất là qua bài học kinh nghiệm Formosa. Làm sao thu hút nước ngoài thực sự có lợi cho Việt Nam, có lợi một cách lâu dài cho sự phát triển bền vững, trong đó có vấn đề về môi trường, trách nhiệm xã hội cũng như quản lý những vi phạm pháp luật của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hoàng khẳng định.

Trước những cơ hội và thách thức đan xen, để dòng vốn đầu tư trực tiếp nước thật sự là công cụ đắc lực cho phát triển kinh tế đất nước, tạo sự lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước, gia tăng vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong giai đoạn 2016-2020, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần hướng tới những lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghiệp cao.

Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cần phù hợp với từng ngành, khu vực về điều kiện kinh tế, địa lý, nhân lực và có tác động lôi cuốn các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu./.