Đây là kết luận được đưa ra trong Báo cáo tổng hợp, giám sát đầu tư năm 2009 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ mới đây.
Hàng loạt dự án phải điều chỉnh
Năm 2009, trong số 19.956 dự án có báo cáo giám sát đã có tới 5.156 dự án vi phạm các quy định về quản lý đầu tư, chiếm khoảng 17,4% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong cùng kỳ (năm 2006 là 13,4%, năm 2007 là 17,6%, năm 2008 là 20%). Theo đó, các vi phạm như không phù hợp với quy hoạch (19 dự án), không đúng thẩm quyền, không thực hiện đầy đủ trình tự thẩm tra, thẩm định dự án, đấu thầu không đúng quy định (18 dự án), bỏ giá thầu không phù hợp (6 dự án), phê duyệt không kịp thời (73 dự án), ký hợp đồng không đúng quy định (19 dự án)...
Tỷ trọng các dự án phải thực hiện điều chỉnh cũng khá lớn. Có tới 7.302 dự án đang thực hiện trong kỳ điều chỉnh, chiếm 24,6%. Trong đó, 6,3% phải điều chỉnh về nội dung đầu tư, 8,9% điều chỉnh về tiến độ và 9,2% điều chỉnh tổng mức đầu tư. So với năm 2008, số dự án phải điều chỉnh trong năm 2009 đã giảm, nhưng vẫn tăng so với năm 2007 và 2006 (số liệu tương ứng năm 2008 là 33,7%, năm 2007 là 22,2% và năm 2006 là 16,7%).
Số dự án nhóm A phải điều chỉnh là 52 dự án, chiếm 12,01% tổng số dự án nhóm A đầu tư trong năm (giảm khá nhiều so với các năm trước đó, năm 2008 là 42,23%, năm 2007 là 23,7%, năm 2006 là 19,5%).
Bộ KH-ĐT cho hay, nguyên nhân khiến các dự án phải điều chỉnh do giá cả vật liệu trong năm 2009 dù đã bình ổn hơn song vẫn còn nhiều biến động, dẫn tới phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Ngoài ra là các trở ngại từ trình độ năng lực của chủ đầu tư, tư vấn hạn chế, công tác khảo sát chưa đầy đủ, số liệu tham khảo chưa chính xác, chất lượng thấp nên trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều bất cập.
Và chậm tiến độ
Cũng theo báo cáo, tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí lớn vốn Nhà nước nhưng hiệu quả đầu tư thấp của các dự án đầu tư công không giảm sút mà còn có chiều hướng tăng mạnh. |
Chậm tiến độ với các dự án đầu tư công đã là câu chuyện quen thuộc nhiều năm nay, song vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Tình trạng chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc mất hiệu quả đầu tư của các dự án. Lý giải từ những người chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này vẫn là do các nguyên nhân cũ như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tái định cư khó khăn, tư vấn yếu kém hoặc quá tải. Thêm vào đó là một số đơn vị thi công không đủ năng lực, cơ quan thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu kéo dài, bố trí vốn không đủ, thanh quyết toán chậm, chuẩn bị thủ tục đấu thầu và xét thầu kéo dài cũng như sự yếu kém của chủ đầu tư.
Theo Bộ KH-ĐT, tiến độ đầu tư chậm so với yêu cầu, ngoài việc làm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, không đảm bảo huy động năng lực sản xuất theo đúng kế hoạch, còn làm tăng thêm chi phí cho Ban quản lý dự án, lãi vay trong thời gian xây dựng, đặc biệt là chi phí thuê chuyên gia nước ngoài trong các dự án ODA, gây lãng phí rất lớn./.