Chị Nguyễn Diệu Hường (sinh sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) thường có thói quen mua vàng làm tài sản tích trữ. Thời gian gần đây, giá vàng tăng cao, mức chênh lệch so với giá thế giới có lúc lên đến 16-17 triệu đồng/lượng, nên chị Hường cùng nhiều người mua vàng hi vọng, sau khi Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt trong việc bình ổn giá vàng, trong đó có việc thực hiện đấu thầu giá vàng, chị rất mong mức chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ được rút ngắn.

Tuy nhiên, sau nhiều phiên đấu thầu không thành công vừa qua, giá vàng trong nước chỉ giảm lúc đầu, sau đó lại tăng, khoảng cách chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa được cải thiện. Chị Nguyễn Diệu Hường chia sẻ: "Tôi thấy sau phiên đấu thầu thì giá vàng vẫn tiếp tục tăng. Tôi mong cũng giá vàng trong nước rút ngắn để người dân mua tích trữ tài sản, không bị thiệt thòi, nhưng giá khởi điểm đấu thầu cao như vậy thì làm sao mà giảm chênh lệch được. Doanh nghiệp đấu thầu với giá cao thì làm sao bán cho chúng tôi với giá thấp và sát với giá thế giới được?"

Nói về nguyên một phần nguyên nhân khiến đấu thầu vàng chưa thành công, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, theo quy chế đấu thầu vàng hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa tham gia được. Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu với số lượng ít hơn từ 400-1.000 lượng vàng thì không được, nên họ phải đứng ngoài cuộc và chờ mua lại từ doanh nghiệp trúng thầu hoặc mua từ thị trường tự do. Chính vì vậy, quá trình bình ổn giá vàng sẽ càng lâu hơn.

"Yêu cầu về khối lượng đấu thầu tối thiểu quá lớn, với 14 lô, tương đương 1.400 lượng vàng, là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không thiết tha. Tổ chức thêm nhiều phiên đấu thầu nữa để cung ứng thêm vàng miếng ra thị trường phải hơn 10.000 lượng trở lên lúc đó giá vàng trong nước mới co lại co so với mức chênh lệnh giá vàng thế giới. Vấn đề không phải giá vàng 81-82 triệu đồng/lượng hay 71 triệu đồng/lượng mà hiện nay giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới 11 triệu đồng/lượng, nhưng qua đấu thầu phải giảm khoảng cách này còn 6 triệu đồng/lượng là thành công", ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Việc NHNN thực hiện đấu thầu giá vàng được xem là một trong những giải pháp để kéo giảm chênh lệnh giá vàng. Nhưng thực tế, sau 4 phiên đấu thầu, tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện. Và hệ lụy là theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), người tiêu dùng chính là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

"Đấu thầu vàng mà không thành công thì không ảnh hưởng đến người kinh doanh vàng đâu, mà ảnh hưởng đến người dân đầu tiên, bản chất của kinh doanh vàng là khi có biến động bất ổn thì chênh lệnh mua-bán được nới rộng, có khi lên tới 2-3 triệu/lượng. Cho nên càng tạo sự bất ổn thì chỉ có thiệt cho người tiêu dùng. Còn với người kinh doanh vàng thì ngoài số lượng vàng họ mua được qua đấu thầu thì họ vẫn còn lượng vàng có sẵn và cả lượng vàng mua được trên thị trường", ông Long nói.

Từ những bất cập nêu trên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng cho rằng, để đạt được mục đích trong việc tổ chức đấu thầu giá vàng, NHNN phải từng bước giảm mức giá tham chiếu đấu thầu để tiệm cận với giá vàng thế giới. Vì giá vàng tham chiếu trong các phiên đấu thầu còn cao.

"Chúng ta chỉ cần giải quyết vấn đề giá thôi, tức là chúng ta giảm giá tham chiếu xuống để tạo ra sự hấp dẫn của phiên đấu thầu này. Giá tham chiếu phải tiệm cận với giá thế giới. Chúng ta có thể thực hiện từng bước, giá tham chiếu, có thể cân nhắc ở mức khỏang 74-75 triệu đồng/lượng thời điểm hiện tại. Chúng ta kéo giảm từ từ xuống để nó về gần sát với mức giá của thế giới", TS Cấn Văn Lực cho biết.

“Vậy có nên tiếp tục đấu thầu vàng” – là câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này, bởi nếu tiếp tục tổ chức đấu thầu thì nguy cơ ế hoặc lại phải hủy hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu ngưng thì chưa đạt mục tiêu tăng cung, kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới như yêu cầu của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, không phải chỉ có 2 lựa chọn, tiếp tục hoặc ngưng mà còn có lựa chọn thứ ba, đó là tổ chức đấu thầu vàng với những yêu cầu, điều kiện, giá... phù hợp với bối cảnh thị trường và mục tiêu của nhà nước. Và để làm được điều này, cần có một cuộc họp giữa các bên liên quan để tìm kiếm được tiếng nói chung. "Có lẽ cần có một cuộc họp liên ngành giữa các chuyên gia, các DN kinh doanh vàng, các ngân hàng để tìm kiếm mục tiêu chung trong vấn đề tổ chức đấu thầu, quản lý thị trường vàng. Điều này cũng giống như chỉ đạo chung của Thủ tướng đó là rà soát NĐ24, thực hiện các biện pháp có thể để kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới", ông Phong nêu.

Có thể thấy, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, còn trong thời gian tới, điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành và NHNN không nên trực tiếp gánh trách nghiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất - nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng. Ngoài ra, chỉ khi nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay.