Phiên đàm phán vềHiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc ngày 31/7 tại Hawaii sau nhiều ngày thảo luận, nhưng kết quả chưa được như mong muốn của các bên do chưa tìm được tiếng nói chung về một số vấn đề liên quan tới bảo vệ các công ty dược phẩm và việc tiếp cận với thị trường nông nghiệp ở cả 2 bờ Thái Bình Dương.

Các nhà đàm phán sẽ về nước để tìm kiếm sự phê chuẩn từ cấp cao hơn đối với một số lượng nhỏ các vấn đề còn tồn tại trong thỏa thuận TPP này, và dự kiến các cuộc đàm phán song phương sẽ sớm được khởi động trở lại.

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Hawaii. Bộ trưởng Thương Mại Việt Nam Vũ Huy Hoàng (ngoài cùng bên phải). (Ảnh: MalaysiaInsider)

Thất bại trong vòng đàm phán này là một bước lùi đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barrack Obama sau khi đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy thỏa thuận này tại Mỹ.

Các nhà đàm phán TPP của Mỹ đã hy vọng các nước khác có thể “đồng lòng” sau khi Nghị viện Mỹ thông qua “quyền đàm phán nhanh” cho Tổng thống Obama hồi trong tháng 6.

Cuối cùng, các nhà đàm phán đã thông qua được nhiều chính sách quan trọng của thế kỷ 21, trong đó có các chính sách về tiếp cận Internet, dược phẩm tiên tiến và kinh doanh năng lượng sạch.

Tuy nhiên, vẫn còn những bế tắc xung quanh các vấn đề về thương mại quốc tế đã tồn tại trong nhiều thập kỷ như tiếp cận thị trường sữa ở Canada, thị trường đường ở Mỹ và thị trường gạo ở Nhật Bản.

Theo lịch công bố của cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), dự kiến sáng 1/8 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia TPP sẽ họp báo công bố kết quả cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 5, diễn ra tại Hawaii từ ngày 28 - 31/7.

Vòng đàm phán này được coi là cơ hội cuối cùng để các bên tiến tới thỏa thuận. Nếu bỏ lỡ, các nước sẽ phải chờ đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2017 mới có thể ký được TPP.

TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra trong hiệp định gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và được dự báo bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm./.