Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp Đắk Lắk, việc tái đàn, phát triển chăn nuôi trong khi dịch chưa được khống chế hoàn toàn chỉ nên thực hiện ở các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và trong các cơ sở chưa xảy ra dịch bệnh.

vov_tai_dan_lon_krir.jpg
Giá lợn hơi tăng cao khiến nhiều người chăn nuôi ở Đắk Lắk nóng lòng tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại hơn 140/184 xã, phường của tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh đã tiêu hủy là hơn 44.400 con, tổng trọng lượng gần 2.500 tấn.

Ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Đến nay đã có 69 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh. Hiện việc tái đàn lợn đảm bảo nguồn cung cho thị trường sau tết Nguyên đán là việc làm cần thiết. 

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, các địa phương thực hiện nghiêm quy định và hướng dẫn trong việc chăn nuôi lợn vào thời điểm này để tránh phát sinh dịch bệnh.

“Chúng tôi đã hướng dẫn tất cả các địa phương, các trang trại phải đảm bảo các quy trình theo quy định, đảm bảo thực hiện các quy trình, tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Khi đảm bảo các điều kiện đó có kiểm tra đánh giá thì mới được tái đàn. Như vậy mới đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững”, ông Dương nói./.