Chất vấn về suất đầu tư xây dựng đường ở nước ta, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) nói: “Bộ trưởng có đồng ý với tôi và nhân dân cả nước là đầu tư 1km của chúng ta hiện nay là rất cao, thậm chí có những đoạn đường là cao nhất hành tinh không? Bộ trưởng có trả lời trong báo cáo là bám sát với đơn giá của Bộ Xây dựng. Bộ trưởng đã rà soát thật kỹ việc này chưa?”.
Theo đại biểu Ngô Văn Minh, chúng ta có thể tách phần giải phóng mặt bằng ra trong dự án đầu tư xây dựng để công bố công khai đầu tư cho 1km đường về chi phí xây dựng để nhân dân giám sát trong vấn đề này.
Trả lời câu hỏi này của đại biểu Ngô Văn Minh, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Từ những thông tin cho rằng suất đầu tư ở Việt Nam lớn, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng kiểm tra, đánh giá, tìm hiểu các nguồn thông tin rong nước và nước ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài để có sự so sánh, đánh giá. Theo đó, suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam tương đương với Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Nhật Bản có những đường cao tốc 1km là 205-206 triệu USD. Ở Việt Nam thì từng dự án một, việc so sánh rất khập khiễng vì cần có những yếu tố tương đồng, tương đối thì mới so sánh được.
Chúng ta có những dự án suất đầu tư thấp hơn các nước trong khu vực, ví dụ như dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là 4,19 triệu/km. Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai là 6,94 triệu/km. Một cây số được quy đổi là 4 làn xe. Con đường Hà Nội - Hải Phòng là 6 làn xe, mức độ đầu tư cao hơn, nhưng quy đổi trong 4 làn xe thì của Hà Nội - Hải Phòng là 11,27 triệu/km. Nhưng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cao hơn Nội Bài - Lào Cai, cao hơn Hà Nội - Thái Nguyên, bởi vì đây là dự án sử dụng vốn vay thương mại, cho nên nguyên lãi suất đã là 3,5 triệu/km. Hoặc là các dự án đi qua nền đất yếu, nhiều cầu, như dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khoảng 25,8 triệu /km, vì hơn 5 cây số thì có đến 25 cây số là cầu, trong đó có 2 cầu rất lớn là Bình Khánh và Phước Khánh. Các dự án, thường là dự án trong đồng bằng sông Cửu Long qua nền đất yếu thì suất đầu tư cao hơn. Cũng như các đường của Việt Nam cũng có một số chi phí cao. Bên cạnh đó, do vốn không lo đủ từ đầu, cho nên dẫn đến kéo dài, trượt giá, tiền cũng cao lên, chi phí dò phá bom mìn, đặc biệt đường cao tốc Việt Nam đi qua các khu dân cư, do đó nút giao và cầu vượt, hầm giao thông dân sinh cực kỳ lớn.
Riêng đường Hà Nội - Hải Phòng, chưa có nước nào có đường cao tốc dài 106 km mà 10 nút giao. Mỗi nút giao khoảng từ 800 đến 1000 tỷ đồng, 107 hầm dân sinh, 22 cầu vượt. Các địa phương đi qua đều yêu cầu có nút giao. Như vậy bình quân 10 cây số một nút giao, rất khó có thể gọi đó là đường cao tốc. Trong khi chúng ta đầu tư là đường cao tốc với tốc độ 120km/giờ.
“Cụ thể chi tiết tôi xin phép sẽ có báo cáo gửi đại biểu Minh chi tiết về đầu tư thế giới, trong nước và các vùng của Việt Nam với nhau” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Thứ hai, việc tách giải phóng mặt bằng ra thành một gói thầu riêng, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta đang làm, Chính phủ đang chỉ đạo giải phóng mặt bằng được tách thành một kiểu dự án riêng giao cho địa phương thực hiện.
Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng, đại biểu Ngô Văn Minh thẳng thắn nêu ý kiến: “Tôi mới chỉ đồng ý một phần trả lời của Bộ trưởng” và trao đổi lại một số nội dung.
Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng: “Tôi không nói đặc thù như Bộ trưởng nói về bình quân 1 cây số đường, có đặc thù tôi cũng đưa ra được, ở Hà Nội có những con đường đắt nhất hành tinh. Tôi đang nói mức bình quân của 1 cây số đường ở đây là có yếu tố do đơn giá xây dựng gì đó nó cao. Bộ trưởng phải trả lời mức bình quân đó và phải cùng với các bộ, ngành liên quan chúng ta rà soát lại định mức để có thể giảm được nữa không thì càng tốt”.
Thứ hai, về giải phóng mặt bằng, Đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh: “Tôi biết chuyện giải phóng mặt bằng tách ra một dự án thành phần, nhưng Bộ trưởng hiểu sai ý tôi. Mình tách ra đã để mình biết rằng một con đường làm mà ở trong điều kiện bình thường thì 1 cây số đường là bao nhiều tiền và chúng ta công khai việc đó để cho nhân dân người ta giám sát. Con đường tương tự như thế mà tại sao anh lại nhiều tiền thế, một con đường chúng tôi như thế này mà lại ít tiền hơn, việc đó là một việc quan trọng”.
Đại biểu cũng thẳng thắn nói: “Bộ trưởng không cần thiết phải cung cấp cho tôi danh sách các nước, tôi không có thời gian nghiên cứu đâu, đừng cung cấp mà tốn kém giấy mực. Bộ trưởng hãy đưa ra báo chí, đưa cho công luận người ta đăng tải lên để cho mọi người dân biết, để so sánh và người ta dễ dàng chấp nhận hơn. Tôi đề nghị Bộ trưởng nên như thế, tôi không nhận báo cáo đấy.
Câu hỏi tiếp theo của đại biểu Ngô Văn Minh liên quan đến việc thu phí. Đại biểu cho rằng: Chúng ta cùng đầu tư Quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc - Nam. Sau này nếu hình thành, trong đầu tư Quốc lộ 1 có 20 dự án BOT chúng ta sẽ thu phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư, điều đó là đúng. Ví dụ 20 năm chúng ta hoàn vốn cho nhà đầu tư nhưng khi con đường này được hoàn thành đi vào vận hành lưu lượng xe rõ ràng sẽ giảm ở những trạm thu phí ở Quốc lộ 1. Như vậy phương án thu hồi vốn hiện nay chúng ta đang làm đến hồi đó không còn khả thi nữa, có thể sẽ kéo dài thời gian thu phí ra để hoàn vốn.
“Bộ trưởng đã tính đến chuyện này chưa, bởi vì liên quan đến việc này là người dân phải đóng thêm phí. Nếu 20 năm thu phí không đủ sẽ điều chỉnh phương án, bởi vì hai đường sẽ phân luồng xe, người dân sẽ đóng phí 10 năm nữa, ví dụ đề nghị 30 năm mới hoàn đủ phí. Bộ trưởng tính sao vấn đề này, giải pháp và trách nhiệm của mình về việc chia sẻ lo lắng này của người dân?” – đại biểu chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Đầu tư các dự án Quốc lộ 1 theo hình thức BOT, báo cáo với đại biểu Minh yên tâm là việc dự án BOT thường rất dài, thời gian khoảng từ 20 - 25 năm, trong quá trình thực hiện để ký hợp đồng nhà đầu tư người ta cũng tính toán rất kỹ phải tính 20 năm, 25 năm khi lưu lượng xe tăng lên thế nào, lúc đó đường cao tốc như thế nào để tính các lưu lượng. Theo quy định Thông tư của Bộ Tài chính nếu lưu lượng xe thay đổi 10%, doanh thu thay đổi tăng giảm 2% thì phải điều chỉnh lại hợp đồng. Tính toán này, tất nhiên chỉ là dự báo nhưng có các cơ sở khoa học để tính toán, để ký hợp đồng. “Cho nên không lo chuyện sẽ có kéo dài thời gian thu vốn hoặc tăng thu phí thì người ta tính cả trong đời dự án, tính toán từ trước” – Bộ trưởng nói.
Về phương án chúng ta thu phí, đại biểu Ngô Văn Minh phản biện như sau: “Bộ trưởng nói thì tôi cũng chưa đồng tình lắm. Chúng ta có dự kiến, dự lượng hết rồi, nhưng nếu ta thu phí trong hợp đồng đó mà tăng, giảm thì phải điều chỉnh theo hợp đồng, đó là nguyên tắc hợp đồng. Chúng ta có thỏa thuận, nhưng cuối cùng không đạt được mục tiêu của hợp đồng là phải điều chỉnh, ví dụ tăng thời gian là người dân phải đóng tiền phí thêm chừng ấy năm hoặc tăng mức phí để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư thì người dân phải chịu phí này. Đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn ý đó để người dân yên tâm”.
Tiếp tục làm rõ nội dung đại biểu Ngô Văn Minh quan tâm, sáng nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu thêm về nội dung này. Theo đó, Bộ trưởng cho biết: Về suất đầu tư, phải có so sánh tương đồng, thống nhất, nếu không đưa về cùng một điều kiện thì khó so sánh. Ví dụ, hai căn nhà nằm cạnh nhau, giống nhau hoàn toàn, xây dựng cùng lúc nhưng tiêu chuẩn khác nhau, thiết kế khác nhau thì giá thành khác nhau rồi. Một bên thiết kế không động đất, một bên thiết kế động đất cấp 7 cấp 8 thì giá thành của công trình khác nhau. Cho nên việc so sánh giá thành chỉ mang tính tương đối thôi. Ví dụ, miền núi bình quân là 74 triệu USD/km, khu vực Trung và Nam bộ là 10,5 triệu USD/km; khu vực đồng băng Nam Bộ 17,2 triệu USD/km…/.