Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang, việc Chính phủ triển khai đấu giá vàng SJC là đúng và kịp thời, nhưng thời gian tới cần quản lý hiệu quả hơn nữa. Để khắc phục tình trạng chênh lệch giá vàng cao, biến động trên thị trường nhiều, Chính phủ cần nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý mới.

Yêu cầu các DN kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ sản lượng của các điểm giao dịch, giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng thao túng thị trường vàng. Các cửa hàng kinh doanh vàng phải kết nối với cơ quan quản lý, từ đó kiểm soát được khối lượng vàng bán ra hàng ngày.

“Nếu quản lý chặt chẽ được sản lượng giao dịch của tất cả cơ sở kinh doanh vàng thị trường sẽ bình thường, không có vấn đề thao túng hay tính toán lợi ích. Với công nghệ kết nối khoảng hơn 10 triệu đồng hoàn toàn có thể kiểm soát được thị trường trong vòng 2 tháng, hoàn toàn triệt tiêu được những lợi ích và những động cơ không trong sáng đối với thị trường vàng", đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu giải pháp.

Đối với vấn đề tỉ giá tăng nóng trong thời gian gần đây, theo một số đại biểu, điều này không chỉ tác động đến lãi xuất, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, tác động đến thị trường chứng quán. Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TP.HCM, việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ cần rất thận trọng, ổn định tỉ giá không có nghĩa là cố định tỉ giá.

“Nguồn dự trữ ngoại hối không phải lúc nào cũng dồi dào để có thể bình ổn tỷ giá. Những khi có sự căng thẳng về tỷ giá, bắt buộc phải điều chỉnh lãi suất. Lãi suất giảm có thể kích thích cho hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay dòng tiền khối ngoại rút ra khỏi thị trường khá lớn, một phần do lãi suất đang rất thấp”, đại biểu Trần Anh Tuấn nhận xét.

Rất nhiều sức ép đối với chính sách quản lý thị trường vàng, tỷ giá và đây là bài toán khó đặt ra cho cơ quan quản lý. Điều hành tỷ giá phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.