Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, phần lớn các Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự hài lòng với những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời chỉ rõ những mặt còn tồn tại cũng như đề xuất nhiều giải pháp quan trọng trong cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020.

db_hung_vzwx.jpg
Đại biểu Mai Xuân Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: “Sức yếu thì phải cải tiến nhỏ liên tục”.

Cho rằng nền kinh tế chưa gắn với mô hình tăng trưởng bền vững, Đại biểu Mai Xuân Hùng nói, kế hoạch đặt ra đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa là rất khó đạt được, nếu không có những giải pháp đột phá thì phải đến ngoải năm 2035 nước ta mới làm được điều này, như thế sẽ chậm hơn khoảng 10 năm so với kế hoạch đặt ra ban đầu.

Đại biểu Mai Xuân Hùng cũng chỉ rõ, doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được nội lực và các cơ hội do hội nhập mang lại, sản phẩm hàng hóa của nước ta chống bán phá giá, bị phạt ở nhiều quốc gia cho thấy môi trường cạnh tranh chưa được coi trọng.

“Tăng trưởng kinh tế của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn, trên 20% GDP là không ổn thỏa nếu có biến động liên quan đến nhà đầu tư. Trong khi việc chuyển hướng chính sách thu hút đầu tư vẫn còn ít được coi trọng. Trước kia nước ta liên doanh với nước ngoài để học công nghệ, nhưng từ sau năm 2000 việc liên doanh giảm đi, đặc biệt đến nay đầu tư 100% các doanh nghiệp nước ngoài đóng cửa, không liên doanh nên các doanh nghiệp trong nước không tạo ra được bước đột phá về công nghệ cũng như trình độ quản lý”, Đại biểu Mai Xuân Hùng chỉ rõ.

Do đó, đại biểu Mai Xuân Hùng đề nghị các doanh nghiệp cần linh hoạt, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, tạo thị trường. Hội nhập phải đi đôi với hoàn thiện thể chế chính sách, đưa các luật vào cuộc sống còn chậm, khai thác tiềm năng khác biệt tạo lợi thế cạnh tranh gữa các vùng và gắn với đột phá chiến lược.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng: “Tăng trưởng kinh tế 6,4% - 6,5% là thành công”.

“Trong các chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn 2011 – 2015 đã có 4 nhóm chỉ tiêu liên quan đến kinh tế xã hội đạt tốt”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên khẳng định. Đặc biệt, nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cỡ khoảng 6,4% - 6,5% trong năm nay, đây là cố gắng của toàn bộ nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay so với các nhiệm kỳ 5 năm trước đó mặc dù không cao nhưng tính trong giai đoạn 2011 – 2015 đó là một thành công.

“Chúng ta đã duy trì được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp và giảm dần từ năm 2012 đến nay luôn ở mức dưới 5%, điều này có hiệu quả lớn nhất là làm cho đời sống nhân dân và người lao động bớt khó khăn, thu nhập thực của người làm công ăn lương bị ảnh hưởng ít hơn so với mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong nhiều năm trở lại đây chứng tỏ rằng các doanh nghiệp của Việt Nam đều có khả năng phát triển sâu hơn, rộng hơn vào các thị trường nước ta vốn có tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Qu và EU…”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên đánh giá.

Đại biểu La Ngọc Thoáng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: “Xây dựng nông thôn mới phải có cách tiếp cận khác”.

Nhìn nhận về nền kinh tế giai đoạn vừa qua cũng như trong năm nay, Đại biểu La Ngọc Thoáng cho rằng, kinh tế nước ta năm nay tăng trưởng cao hơn so với những năm gần đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, một điều đặt ra là tuy xuất khẩu của ta có tăng nhưng chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI, điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước chưa phát huy được hết tiềm  năng.

Đặc biệt, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 – 2020, chúng ta cần đặt ra một số vấn đề cụ thể về xây dựng nông thôn mới, kế hoạch này có lẽ phải có cách tiếp cận khác.

“Nếu cứ tiến hành theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới áp dụng chung cho các vùng miền có lẽ là không phù hợp. Nông thôn miền núi mà làm đường nội đồng là cả một vấn đề lớn cần xem xét. Đặt tỷ lệ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới đạt 50% số xã là quá cao, khó có thể đạt được, bởi hiện nay mới chỉ đạt được khoảng 20% xã nông thôn mới, lại  phát triển ở những vùng có điều kiện phát triển kinh tế, tới nay xây dựng nông thôn mới ở những vùng khó khăn với chỉ tiêu này là rất khó khả thi”, Đại biểu La Ngọc Thoáng chỉ rõ.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn ĐBQH Tỉnh Thanh Hóa: “Cần xem xét việc đầu tư có đúng mục tiêu hay không?”

Theo Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã có sự điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đến nay cơ bản đã đạt được. Có thể thấy rõ nhất trong việc kiềm chế lạm phát giảm từ 18,3% năm 2011 xuống còn 2% trong năm 2015, đây là việc điều chỉnh kinh tế vĩ mô rất đáng được đánh giá cao.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý tới những chỉ tiêu trong 5 năm qua, đã có 9/26 chỉ tiêu không đạt. Vấn đề là trong 9 chỉ tiêu không đạt lại đánh giá chất lượng của nền kinh tế như tăng trưởng GDP hay bội chi ngân sách… đòi hỏi cần xem xét việc đầu tư có đúng mục tiêu hay không có đúng trọng điểm và có hiệu quả hay không?

Hoặc như có những chỉ tiêu đặt ra nhưng không có cơ sở như tỷ trọng sản phẩm công nghiệp cao trong tổng giá trị công nghiệp mới đạt 18/30%. “Chúng ta cần phải lưu ý lại cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn trong việc đặt ra các chỉ tiêu, nhất là mục tiêu trong giai đoạn 2016 – 2020 cần khắc phục được điều này”, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi quả quyết.

Đại biểu Trần Sơn Hà, đoàn ĐBQH TP Hà Nội: “Hậu quả về môi trường rất đáng lo ngại”.

Đại biểu Trần Sơn Hà cho rằng, việc tăng số lượng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua cho thấy sự tin tưởng vào hệ thống chính trị cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Đại biểu Trần Sơn Hà chỉ rõ: Trong báo cáo cũng có những đánh giá chưa hết về phát triển kinh tế bền vững. Cụ thể về vấn đề môi trường được đặt ra rất lớn, khi có những dự án khi chấp nhận đầu tư vào chưa quan tâm thật sâu sắc và đầy đủ đến công tác bảo vệ môi trường do đó đã để lại những hậu quả về môi trường rất đáng lo ngại. Nếu tính hiệu quả kinh tế so với hiệu quả làm ra là chưa tương xứng.

Ngoài ra, công tác quản lý khai thác tài nguyên của chúng ta còn hạn chế. Quản lý và sử dụng tại nguyên để phát triển kinh tế, tuy nhiên không phải cứ khai thác tài nguyên để phát triển một cách tuyệt đối làm hao kiệt nguồn tài nguyên.

“Ở tất cả các địa phương, việc thu ngân sách chủ yếu nhằm vào các nguồn thu liên quan đến đất đai là chính như đấu thầu, giao các dự án, đền bù giải phóng mặt bằng…là những thể hiện tính không bền vững trong quá trình phát triển kinh tế”, Đại biểu Trần Sơn Hà cho biết.

Ngoài ra, Đại biểu Trần Sơn Hà cũng lo ngại việc nợ công của nước ta đã lên tới mức 61,3% có liên quan đến nợ nước ngoài của quốc gia là 41,5% và cho rằng, mặc dù cần vay vốn để đầu tư phát triển, nhưng cũng phải tính đến nguồn vay đó phải có cơ sở để hoàn trả, đồng thời bảo đảm hiệu quả của đồng vốn vay.

“Báo cáo chưa đặt vấn đề đến việc tăng thu hàng năm với việc giao thu ngân sách, thu chi kế hoạch tài chính và sử dụng các vốn vay. Trong khi việc giao thu hàng năm bao giờ cũng vượt do chưa bao quát được, chưa sâu sát được và chưa nắm được tất cả các nguồn thu để đưa vào dự toán thu hàng năm. Vẫn có trường hợp nắm được nguồn thu rồi nhưng vẫn bảo đảm chỉ tiêu thu thấp để thưởng cho các cơ quan chức năng, vượt thu để lấy thành tích…”, Đại biểu Trần Sơn Hà chỉ rõ./.