Mùa ươi năm nay không những đến sớm hơn mọi năm mà còn đột biến về số lượng cây ra hoa, sai trái. Khắp các cánh rừng đặc dụng ở các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng không hiếm gặp những cây ươi chỉ cao chừng 3- 4m cũng ra hoa và cho quả. Đi dọc tuyến đường cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan, nhất là đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, dễ bắt gặp nhiều cây ươi chuyển sang màu đỏ nhạt và vàng, trông xa như những chiếc dù nổi bật giữa các cánh rừng xanh thẳm.

 Do quả ươi có giá trị kinh tế cao nên nhiều người vào rừng hạ cây để tận thu quả ươi bán cho thương lái. Để ngăn chặn người dân vào rừng hái ươi, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đã thành lập 10 điểm chốt chặn, huy động 40 cán bộ, kiểm lâm viên phối hợp với gần 300 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng ở các xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú và các hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu ở xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam túc trực mỗi ngày để bảo vệ các cây ươi, không cho các đối tượng chặt hạ cây để hái quả.

“Ngay từ tháng 3 và tháng 4 đã chỉ đạo cho các lực lượng bảo vệ rừng cũng như những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng khảo sát mức độ ra hoa của các cây ươi. Ban Quản lý đã xác định được những vùng cây ươi phân bố tập trung đang ra hoa để lên kế hoạch bảo vệ, đồng thời báo cáo với Chi cục Kiểm lâm đề xuất giải pháp bảo vệ”, ông Nguyễn Thành Tân, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho biết.

Bên cạnh việc ngăn chặn người vào rừng trái phép, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa luân phiên tổ chức tuần tra tại các khu vực có nhiều cây ươi chuẩn bị rụng quả, nhằm kịp thời ngăn chặn các đối tượng chặt hạ cây để hái quả. Lực lượng cũng treo nhiều tấm băng rôn tuyên truyền người dân gần rừng không vào Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa để thu hái quả ươi.

Ông Nguyễn Thành Yên, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Bắc thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa cho biết, năm nay, ươi đươc mùa. Là loại cây thân gỗ, mọc thẳng, ít nhánh, rất khó để leo lên cây nên nhiều người vào rừng sẵn sàng đốn hạ cây ươi để lấy quả.

“Lực lượng các hộ dân của hai thôn Tà Lang và Giàn Bí phối hợp với chúng tôi làm quản lý trực 24/24 giờ. Đến giờ, chưa có một trường hợp nào vi phạm, xâm phạm đến rừng, đặc biệt là khai thác ươi. Chúng tôi chốt chặn 20 ngày nữa đến khi trái trên cây ươi rụng hết thì chúng tôi chuyển về trạm”, ông Nguyễn Thành Yên thông tin.

Được biết, cây ươi sinh trưởng 15 năm mới cho ra quả và cứ chu kỳ 4 năm, quả ươi mới chín rụng. Việc bảo vệ này sẽ giúp cho cây ươi được tái sinh, nảy mầm từ phần lớn quả ươi được tiếp đất ở những khoảng trống trong rừng sau các cơn mưa.

Theo ông Trần Viết Phương, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, để ngăn chặn người dân vào rừng trái phép, đặc biệt là đốn hạ cây ươi hái quả, đơn vị đã phối hợp với các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng tiến hành bảo vệ các cánh rừng. Những ngày qua, lực lượng đã đẩy đuổi hàng trăm người dân ra khỏi rừng; chủ yếu từ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... mang theo rựa, cưa để vào rừng chặt hạ cây ươi.

“4 năm chu kỳ của cây ươi phát triển đậu quả rất tốt khu vực rừng thành phố Đà Nẵng. Trước tình hình như vậy, chúng tôi chỉ đạo cho chủ rừng, Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thành lập các tổ chốt chặn, ngăn chặn người dân vào rừng chặt phá cây ươi trái phép. Cơ bản là giữ cho được an ninh rừng không cho người dân vào lợi dụng hái quả ươi để chặt cây mà không hái lượm không”, ông Trần Viết Phương cho biết thêm./.