Tại toạ đàm lãnh đạo thành phố, Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã đối thoại cùng tháo gỡ vướng mắc với các doanh nghiệp du lịch, đề xuất giải pháp khôi phục du lịch Đà Nẵng đảm bảo điểm đến an toàn.
Theo Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, hiện nay mới có khoảng 50% doanh nghiệp du lịch ở thành phố hoạt động trở lại. Các khách sạn mở cửa chủ yếu là 4 và 5 sao, còn khách sạn dưới 3 sao phần lớn là đóng cửa và rao bán hàng loạt. Doanh nghiệp vận tải du lịch gần như ngừng trệ vì không có khách. Thành phố Đà Nẵng có khoảng 52.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch nhưng trong đợt dịch lần thứ nhất đã có hơn 40.000 lao động ngừng việc, thất nghiệp và lần 2 là tăng lên khoảng 45.000 người.
Các doanh nghiệp chỉ giữ được lực lượng chủ chốt, còn lao động phổ thông thì phải cho nghỉ việc. Có khoảng 30% doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng không còn tiền duy trì hoạt động đến cuối năm nay.
Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, từ tháng 2 năm ngoái, đội ngũ hướng dẫn viên khách quốc tế đã không có việc làm cần có giải pháp hỗ trợ cho đối tượng này.
“Tôi cũng xin có giải pháp trước mắt khi đội ngũ hướng dẫn viên du lịch khi họ chuyển đổi sang ngành nghề khác kinh doanh tạm thời thì cũng cần một số vốn nhất định. Đề nghị UBND thành phố có hướng chỉ đạo ngân hàng cho họ vay một số vốn nhất định với lãi suất thấp hoặc 0% trong thời gian 2 - 3 năm để họ có thể tạo công ăn việc làm trên cơ sở số vốn đó" - ông Võ Văn Anh nói.
Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đang tái khởi động, kích cầu du lịch lần thứ 3 để đón khách vào dịp lễ 30/4 sắp tới. Thế nhưng, theo đại diện các doanh nghiệp, tất cả đều trong tâm thế đề phòng dịch bệnh Covid-19 có thể lại xuất hiện bất cứ lúc nào. Đại diện doanh nghiệp, các hãng hàng không và các tập đoàn du lịch kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đón khách quốc tế với điều kiện phòng chống dịch phù hợp.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng đề xuất nới các điều kiện để doanh nghiệp và người lao động có thể tiếp cận, nghiên cứu một số gói cứu trợ mới cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi đề xuất tiếp tục có những gói cứu trợ mới cho doanh nghiệp, bên cạnh đó phải tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Nhóm giải pháp thứ 3, chúng tôi đánh giá là cơ bản nhất giúp cho doanh nghiệp khôi phục và vượt qua khó khăn là tạo được dòng khách, dòng tiền bằng những chính sách hết sức quyết liệt trong việc khôi phục thị trường" - ông Cao Trí Dũng nêu ý kiến.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch cũng như người lao động, ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng đã đưa ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện khôi phục hoạt động du lịch. Trong đó, khẳng định bảo đảm công tác phòng, chống dịch, giữ gìn điểm đến an toàn; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh công tác xúc tiến truyền thông quảng bá du lịch; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch. Thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới; tổ chức các sự kiện hấp dẫn quy mô lớn để thu hút khách du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí Thư thành ủy Đà Nẵng cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để liên kết, khôi phục lại ngành du lịch như trước khi chưa có dịch Covid-19. "Thành phố sẽ vẫn tiếp tục bằng nguồn lực của đầu tư công và các nguồn lực của xã hội hóa khác để đầu tư, tạo ra các sản phẩm du lịch mới thu hút khách nội địa và sẵn sàng đón dòng khách quốc tế khi có đủ điều kiện. Thời điểm này là thời điểm cho chúng ta chuẩn bị tốt các điều kiện chứ không phải là trùng xuống. Một trong những sản phẩm mà tới đây Đà Nẵng phải làm là xây dựng Đề án sông Hàn về đêm", ông Quảng nói./.