Từ khi mở cửa trở lại đến nay,uqd việc mua bán tại các chợ truyền thống ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa đều rơi vào tình trạng ế ẩm.
Bà Trang Thị Huyền, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Cồn, ở quận Hải Châu cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bà đã nghỉ bán 2 cả tháng nay, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chưa kịp mừng khi mở bán trở lại thì nỗi lo ập tới khi ngồi cả ngày không có khách hỏi mua. Theo bà Huyền, trước đây, bình quân mỗi ngày, bà bán được 150kg thịt heo, nay chỉ dám lấy khoảng 30kg để bán.
Dù giá thịt đã giảm xuống từ 10 đến 20 ngàn đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. Bà Trang Thị Huyền cho biết, theo quy định, người vào chợ phải có phiếu đi chợ bằng mã QR, 3 ngày mới đi chợ một lần, tuân thủ nghiêm phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên nhiều người tranh thủ mua ở chợ cóc ngoài đường.
Bà Trang Thị Huyền cho biết: "Tình trạng ế bán không được, bán ngày được nữa con heo mà bán không được nên phải đem về nhà. Vì ở ngoài đường họ bán nhiều không ai vào chợ hết, có phiếu mới vào, bạn hàng nay họ không mua. Chúng tôi không phải bán thường xuyên một ngày bán ngày nghỉ. Ngồi tí dọn về vì không ai mua."
Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng cho biết, trong thời gian các chợ tạm đóng cửa phòng dịch, nhiều hộ dân đã nhập thực phẩm, hàng hóa về bày bán tại vỉa hè, trước nhà tạo nên tình trạng chợ cóc tràn lan. Trước tình trạng này, đơn vị đã đề xuất với Sở Công thương, UBND thành phố Đà Nẵng giải quyết tình trạng chợ cóc trên các lề đường gây mất an toàn phòng dịch như hiện nay.
Ông Đàm Văn Tẩu, cho biết: đã đề xuất tăng tần suất đi chợ của người dân từ 3 ngày/lần lên 1 đến 2 ngày/lần tùy theo tình hình nhằm tạo thuận lợi cho người dân, từng bước đưa các chợ truyền thống hoạt động dần ổn định trở lại.
Ông Đàm Văn Tẩu nhấn mạnh: "Chúng tôi có đề xuất lên sở và UBND thành phố Đà Nẵng triển khai đến các quận dẹp mấy trường hợp bán vỉa hè để các hộ kinh doanh trong chợ bán được. Khi mới mở ra tần suất 3 ngày đi chợ một lần hạn chế người tới chợ vì họ ngại dịch bệnh./."