Sơn Tra là một trong số cây trồng chủ lực giúp người dân ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên xóa đói, giảm nghèo. Trước đây, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát, người trồng Sơn Tra ở Tuần Giáo gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, với việc thành lập hợp tác xã, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, người dân Tỏa Tình đang tạo hướng phát triển bền vững cho cây Sơn Tra của địa phương.
Xã Tỏa Tình nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, đây là địa phương có diện tích trồng cây Sơn Tra lớn nhất của tỉnh Điện Biên, với gần 150ha, tập trung ở các bản: Tỏa Tình, bản Lồng, Hua Sa A, Hua Sa B.
Mỗi năm, cây Sơn Tra ở đây cho sản lượng khoảng 900 tấn quả tươi. Hợp chất đất, nên không cần phun thuốc, bón phân hay mất quá nhiều công chăm sóc, cây Sơn Tra ở Tỏa Tình vẫn cho hiệu quả kinh tế trong suốt một thời gian dài.
Ông Giàng Chứ Phình, người dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo cho biết: Thời điểm này đang là cao điểm thu hoạch Sơn Tra ở địa phương. Trước đây, Sơn Tra chủ yếu là các tiểu thương đến mua, hoặc người dân tự bán lẻ, giá cả cũng rất bấp bênh.
Theo ông Phình: "Mục đích của gia đình tôi trồng cây Sơn Tra này cũng mong ước sẽ đưa phát triển kinh tế của gia đình đi lên. Cây Sơn Tra trong quá trình phát triển vướng mắc khâu đầu ra cho nên gia đình tôi cũng rất bế tắc".
Để từng bước khắc phục khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho quả Sơn Tra, chính quyền huyện Tuần Giáo và xã Tỏa Tình đã vận động người dân và tạo điều kiện để thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc. Hợp tác xã sẽ thu mua quả Sơn Tra khi người dân thu hoạch để chế biến thành nhiều sản phẩm khác.
Chị Mùa Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc cho biết, từ quả Sơn Tra tươi có thể chế biến ra nhiều sản phẩm như Sơn Tra sấy lạnh, Sơn Tra khô dùng để ngâm rượu hoặc sắc uống hàng ngày. Việc đa dạng trong chế biến sản phẩm kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới cho sản phẩm Sơn Tra nơi đây.
"Năm vừa rồi vì COVID-19 nên hầu như bà con không tiêu thụ được. Từ nhu cầu đấy, chúng tôi cũng mong muốn làm thế nào để giúp dân tiêu thụ được sản phẩm Sơn Tra. Từ đó, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã. Về kế hoạch phát triển, chúng tôi mong muốn đưa những sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách an toàn và hiệu quả nhất" - chị Hoa chia sẻ.
Ông Lầu A Dùa, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo cho biết, việc thành lập hợp tác xã chế biến các sản phẩm từ Sơn Tra đã mở ra hướng mới giúp bà con có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững hơn. Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến thì các sản phẩm từ quả Sơn Tra đều có giá trị cao hơn, nhất là hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến bền vững.
"Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo người dân phát triển cây Sơn Tra từ năm 2000 trở về đây. Cấp ủy, chính quyền cũng xác định tiếp tục phát triển loại cây này là một cây trồng chính trên địa bàn" - ông Dùa cho biết.
Từ sự quan tâm vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương; sự sáng tạo đổi mới trong tư duy sản xuất của người dân, kỳ vọng mặt hàng nông sản đặc trưng trên đỉnh Pha Đin huyền thoại sẽ đến với người tiêu dùng được nhiều hơn, từ đó, tạo thu nhập ổn định cho đồng bào./.