Giữa năm 2013, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chính thức đi vào hoạt động. Đến ngày 31/12/ 2013, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là 3,79% - giảm gần 1% so với hồi đầu năm 2013. Gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu đã được VAMC mua lại từ các ngân hàng.

acb-bank.jpg

Để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và bền vững, các NH đã chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp trong ngành Ngân hàng như: Cơ cấu lại nợ, thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cố tức, lợi nhuận để tập trung trích lập dự phòng rủi ro... NHNN cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và đã được Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng với 5 nhóm giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015.

Phân tích về xử lý nợ xấu ở Việt Nam, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia lấy ví dụ như tại Nhật, người ta sử dụng vốn ngân sách, xóa những khoản vay của các DN thì các khoản nợ xấu biến mất trên các bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. “Chúng ta không làm thế được. Nhưng chúng ta sử dụng theo cách của Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều vấn đề mà phải xử lý nó hài hòa và đồng bộ.” – ông Phước nói.

Cũng theo ông Phước, việc thành lập VAMC để mua bán nợ xấu rất chặt chẽ, rất thận trọng. VAMC không thể xử lý hết nợ xấu của nền kinh tế này nhanh nhất, ít tốn tiền nhất. Đó là một lối thoát gần như là duy nhất trong bối cảnh ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn. Việc chúng ta tạm thời chuyển dịch nợ xấu từ ngân hàng thương mại vào trong VAMC là cách tiếp cận đúng yêu cầu thực tiễn của thị trường.

Ngoài ra, theo ông Phước, việc chính phủ phát đi thông điệp cho người nước ngoài mua bất động sản sẽ giúp xử lý một vấn đề rất căn bản đó là nợ xấu của Việt Nam. Chúng ta đang sở hữu một lượng tuy nợ là xấu nhưng lại có tài sản đảm bảo không xấu tí nào. Đây là cú hích, cú đột phá quan trọng về mặt chính sách rất thuyết phục với thị trường góp phần tăng tổng cầu.

Nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng và sự quan tâm, hỗ trợ, vào cuộc của các cấp, các ngành nên tốc độ gia tăng nợ xấu đã giảm dần từ cuối năm 2012. “Mặc dù tốc độ tăng của nợ xấu đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.

Theo đánh giá của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mặc dù, các giải pháp xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, trong khi tiêu thụ hàng hoá còn chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp; các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản cần phải có thời gian phát huy tác dụng; thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường tài chính trì trệ gây khó khăn cho việc bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ; các giải pháp xử lý nợ xấu vẫn chưa được triển khai đồng bộ và phát huy tác dụng (biện pháp chủ yếu vẫn là TCTD tự xử lý nợ xấu) đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn; cơ chế, chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều rất vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu; thiếu sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho việc xử lý nợ xấu; môi trường kinh doanh không thuận lợi khó thu hút các nguồn vốn đầu tư tài chính cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Mạnh mẽ, quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu song hành với đó là tái cơ cấu các TCTD, trong năm qua NHNN đã xử lý, sáp nhập hàng loạt NH yếu kém, đồng thời đưa vào diện phải theo dõi một số NH nữa. Đây là kết quả bước đầu và cần phải được làm sâu rộng hơn nữa, theo lời TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc xử lý, tái cơ cấu các NH yếu kém thời gian qua đã rút được nút, tránh được đổ vỡ, còn việc phải làm tiếp là xử lý tồn tại và định hướng rõ với những NH yếu kém, kể cả với những NH yếu kém đã được xử lý và sẽ xét xếp vào loại này. NH có tính hệ thống rất cao, không phải chỉ có anh yếu kém làm xong là cơ bản NH đã toát lên được mà tất cả các NH khác cũng phải được đánh giá, kiểm tra, sắp xếp, nâng cấp, hoàn chỉnh... Không phải những ngân hàng qui mô không có yếu kém, có những việc gây mất an toàn cho hệ thống.

Được biết, năm 2014 NHNN sẽ tiếp tục xử lý nhanh hơn các khoản nợ xấu, xử lý có kết quả các khoản nợ này để đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống mức phù hợp. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng.

“Năm 2014, VAMC vẫn tiếp tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt; thứ hai, xây dựng Đề án mua nợ theo giá thị trường. Kèm theo Đề án này là mua hẳn, bán hẳn nhưng đòi hỏi nhiều yếu tố kèm theo. Thứ nhất là yếu tố pháp lý. Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng thì làm sao VAMC mua nợ theo giá thị trường? Có nghĩa là phải bổ sung vốn điều lệ hoặc là xây dựng phương án vay vốn với thời gian dài tối thiểu 5- 7 năm để có thể kinh doanh”- ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC chia sẻ thêm./.