Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair lần này đã có nhiều cuộc gặp gỡ quan trọng với các lãnh đạo Chính phủ cũng như làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam về cải cách kinh tế, thu hút đầu tư, hợp tác công tư và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Những khuyến nghị của cựu Thủ tướng Anh được kỳ vọng có thể tham khảo, áp dụng trong quá trình thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Trở lại Việt Nam lần này, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng và có nhiều cơ hội lớn. Bằng những chính sách thông thoáng, Việt Nam hiện là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài khi đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đang đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác.
Tuy nhiên, để nắm bắt tốt nhất môi trường chính trị, kinh tế biến đổi liên tục ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới, ông Tony Blair cho rằng, Việt Nam phải quản lý được các mối quan hệ và làm sao để cân bằng sự phát triển với những thách thức. Hay nói cách khác là phát triển một cách hòa bình với phần còn lại của thế giới. Bởi vì ảnh hưởng của kinh tế sẽ củng cố không nhỏ cho tầm ảnh hưởng chính trị của quốc gia: “Tôi nghĩ rằng một trong những điều thú vị nhất đang diễn ra trên toàn cầu là sự kết hợp công tư cùng với nhau. Chúng ta có thể thấy mô hình châu Âu hiện nay chính xác là những điều mà chúng ta cần. Khuyến nghị mà tôi dành cho Việt Nam đi theo cách thức đó là mô hình phát triển kinh tế, trong đó nhà nước và thị trường hợp tác làm việc cùng với nhau”.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair cũng bày tỏ sự ấn tượng trước việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; đồng thời, ủng hộ các biện pháp của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, ông Tony Blair cho rằng doanh nghiệp nhà nước luôn đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế càng phát triển, mức độ đóng góp vào GDP của khối doanh nghiệp này càng giảm. Cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển hiện là xu hướng tất yếu để một quốc gia vươn lên trong thế giới cạnh tranh và hội nhập. Thực tế, ở nhiều nước, cải cách này đã đem lại sự thịnh vượng cho người dân và cả nền kinh tế.
“Qua kinh nghiệm làm cải cách của tôi thì tôi thấy mọi cải cách đề ra đều khó khăn cả, khi đề ra cải cách bao giờ cũng có kháng cự cản trở và rất khó thực hiện. Nhưng tôi học được, để 1 quốc gia tiến bộ, phát triển được thì phải có cải cách. Vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước liên quan đến đối tác công tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài có cơ hội tốt hơn, khu vực tư nhân của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn”- ông Tony Blair nhấn mạnh.
Hơn 20 năm qua, Việt Nam không ngừng cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nếu như số lượng doanh nghiệp nhà nước thập kỷ 90 là khoảng 12 nghìn thì đến nay chỉ còn khoảng 5.600. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về mặt số lượng nhưng tính hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi.
Quan điểm của ông Bùi Quang Vinh là: “Nói đổi mới doanh nghiệp nhà nước nhưng phải đi vào thực chất, làm sao nhiều cổ đông tham gia, họ có vai trò thay đổi về quản trị, chất lượng doanh nghiệp thì mới có hiệu quả được. Chuyển 100% doanh nghiệp nhà nước sang một doanh nghiệp chỉ cổ phần hóa 5-10% mà nói rằng đó là doanh nghiệp cổ phần hóa và cho nó quyền như doanh nghiệp cổ phần hóa thì sẽ tạo ra kẽ hở trong quản lý. Chính phủ Việt Nam đã khẳng định doanh nghiệp nhà nước vẫn là nòng cốt, giai đoạn tới, chúng tôi đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 37 về vai trò của doanh nghiệp nhà nước tới đâu, những lĩnh vực nào là 100%, lĩnh vực nào là 75%, lĩnh vực nào 65%, lĩnh vực nào dưới 50%”.
Ông Tony Blair cho rằng, cải cách về số lượng doanh nghiệp nhà nước không quan trọng bằng việc nhà nước quản lý khu vực doanh nghiệp này như thế nào: “Vẫn có nhiều lập luận rằng, chúng ta chỉ có thể bảo vệ được lợi ích công nếu duy trì sở hữu doanh nghiệp của nhà nước. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Cũng như vậy, việc điều tiết thị trường không thể dựa trên doanh nghiệp nhà nước mà phải dựa trên hệ thống pháp luật chặt chẽ và việc tuân thủ các quy định. Việt Nam cần xây dựng lộ trình, xác định rõ trách nhiệm, khung thời gian thực hiện, đồng thời phát triển các chính sách để tiến hành quá trình tư nhân hóa, từ đó mới khiến đổi mới doanh nghiệp nhà nước đi vào thực chất”.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, cựu Thủ tướng Anh cũng đặc biệt quan tâm tới các dự án hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP) ở Việt Nam. Ông Tony Blair khuyến nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nên chọn một dự án đường cao tốc cụ thể để triển khai theo hình thức công tư nhằm rút kinh nghiệm trong việc kêu gọi vốn cho các dự án tiềm năng. Văn phòng Tony Blair sẽ đưa các nhà đầu tư lớn tham gia các dự án tại Việt Nam và giới thiệu các tập đoàn lớn làm đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa của Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý, những tư vấn, khuyến nghị của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trên các lĩnh vực thu hút đầu tư, hợp tác công tư và cải cách doanh nghiệp nhà nước đối với Việt Nam rất cụ thể và hữu ích. Những tư vấn chính sách cùng triển vọng hợp tác của Văn phòng Tony Blair với các đối tác Việt Nam sẽ được tham khảo, áp dụng trong lĩnh vực hợp tác công tư, cải cách doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy đầu tư, từ đó nhân rộng và có thể đưa vào các kế hoạch phát triển dài hạn của Việt Nam./.