Ở xã vùng 3 Chiềng Hoa, huyện Mường La, tỉnh Sơn La ai cũng biết ông Lò Văn Hiến, dân tộc Thái ở bản Mường Pia. Bởi lẽ, không chỉ là một trong những cựu chiến binh đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, ông Hiến còn giúp nhiều bà con còn khó khăn trong vùng vươn lên như mình.

Năm 1983, ông Lò Văn Hiến xuất ngũ trở về địa phương và bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, ông thực sự trăn trở khi đất đồi có sẵn nhưng trồng cây ăn trái không hiệu quả, kinh tế gia đình thực sự khó khăn. Dành nhiều thời gian đi các nơi nghiên cứu, tìm cách làm ăn, năm 1984 ông bàn với vợ con vay 10 triệu đồng vốn ngân hàng đầu tư mua 1 con bò cái, 7 con dê và xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Vừa gây giống và tích luỹ kinh nghiệm, năm nào bò mẹ của gia đình ông Hiến cũng đẻ thêm 1 con bê, cứ thế đến nay đàn bò của gia đình có gần 40 con. Khi đàn bò sinh sôi, ông lại xuất bán thịt ra thị trường để có nguồn thu tái đầu tư chăn nuôi và cải thiện đời sống.

Để đảm bảo có nguồn thức ăn quanh năm cho trâu, bò, ông Hiến đầu tư 150 triệu đồng mua lưới sắt để rào xung quanh trang trại 15 ha, rào khoanh vùng trồng sắn, trồng cỏ. Khi sắn củ được 2 năm, lúc đó mới thả đàn gia súc vào ăn cỏ, ăn sắn. Cứ luân phiên 2 năm trồng, 1 năm thả gia súc, đàn trâu, bò của ông lúc nào cũng có cỏ và sắn tươi ăn.

“Tôi trồng sắn không bán mà để chăn nuôi trâu, bò vì nếu chỉ cho chúng ăn cỏ sẽ không béo tốt.  Khi sắn trồng được 2 - 3 năm, củ sắn to mới thả cho trâu, bò và cả gà vào ăn”, ông Lò Văn Hiến chia sẻ.

Theo ông Hiến, để chăn nuôi đại gia súc mang lại liệu quả kinh tế, hàng năm phải quan tâm tiêm phòng định kỳ cho trâu, bò để phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh thường xảy ra như nhiệt thán, tụ huyết trùng, lở mồm long móng... Mùa đông giá rét, ông Hiến dùng vải bạt quây kín chuồng trại, tránh gió lùa, không thả trâu, bò trong những ngày mưa, giá rét, khi trời hửng nắng mới thả cho đi ăn cỏ.

Mỗi tuần 2 lần, gia đình ông chở nước khoáng nóng từ dưới chân núi lên cho trâu, bò uống nên đàn gia súc của gia đình ông không bị các bệnh vể đường ruột, phát triển tốt. “Khi trời mưa rét tôi cắt cỏ cho trâu bò ăn, tuyệt đối không thả ra ngoài. Dù ngày mưa hay ngày nắng, cứ đến tối là phải lùa trâu, bò về chuồng”, ông Hiến cho biết kinh nghiệm.

Hưởng ứng phong trào trồng cây gây rừng, năm 1991 gia đình ông Hiến tham gia trồng 3 ha cây tếch, đến nay đã cho khai thác. Cùng với đó là đào ao thả cá, mỗi năm thu về tầm 6 tạ cá. Gia đình ông còn khai hoang hơn 1 ha ruộng cấy 2 vụ lúa, mỗi năm thu hoạch khoảng 16 tấn thóc, thu được gần 120 triệu đồng. Từ việc chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thuỷ sản và trồng lúa 2 vụ,  trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về hơn 500 triệu đồng, xây được căn nhà sàn 2 tầng khang trang có đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống...

Thoát nghèo, vươn lên khá giàu, ông Hiến không quên giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất nuôi rẽ trâu, bò hoặc cho vay vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như các hộ gia đình ông Cà Văn Hoán, gia đình chị Lò Thị Chiến, anh Lò Văn Diên, Lò Văn Liên ở bản Mường Pia,  xã Chiềng Hoa được ông Hiến giúp đỡ giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi  giờ đã vượt đói nghèo.  

“Ông Hiến thấy ai có hoàn cảnh khó khăn đều tìm cách hỗ trợ. Nhờ có ông Hiến giúp nên gia đình tôi mới được như ngày hôm nay, kinh tế ổn định, con cái được học hành đến nơi, đến chốn. Đến nay tôi đã trả lại số vốn vay của ông Hiến để ông còn giúp người khác còn khó khăn”.

“Vợ chồng anh Hiến làm kinh tế hiệu quả từ việc chăn nuôi gia súc. Từ chăn nuôi trâu, bò gia đình anh Hiến đã hỗ trợ con giống cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn do thiếu vốn làm ăn, tạo thêm việc làm, có thêm thu nhập cho gia đình.”, ông Cà Văn Hoán ở bản Mường Pia và anh Cà Văn Sanh ở bản Chông cho biết.

Ông Lò Văn Hiến thật xứng đáng với cái tên trìu mến mà bà con bản trên, xóm dưới thường gọi "Cựu chiến binh của bản mường"./.