Giá dầu thô Brent trên thị trường châu Á đã “lao dốc” xuống dưới 28 USD/thùng - mức thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây, do xuất hiện nhiều lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung “vàng đen” ngày càng trầm trọng, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các biện trừng phạt Iran.

Nhiều chuyên gia phân tích thị trường cũng cảnh báo, rất có thể xảy ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt khi các nước sản xuất dầu phải chật vật tìm kiếm khách hàng do Iran bắt đầu “hút khách” bằng việc mở bán kho dự trữ lớn của nước này.

Tại phiên giao dịch hôm nay (18/1), giá dầu Brent giao tháng 3/2016 trên sàn giao dịch điện tử Singapore có thời điểm giảm xuống mức 27,67 USD/thùng, thấp nhất trong gần 13 năm qua. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 2/2016 giảm 35 cent, xuống 29,07 USD/thùng.

opec_lon_den_dau_pvzj.jpg
Việc Iran cung cấp dầu cho thị trường thế giới sẽ khiến nguồn cung dầu tiếp tục bị thừa trong thời gian tới. (Ảnh: Internet)
Giá dầu lao dốc sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, ngay sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo khẳng định Iran đã tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7/2015. 
Các chuyên gia phân tích nhận định, “vàng đen” giảm giá là do việc các biện pháp trừng phạt Iran được dỡ bỏ sẽ khiến nước này trở lại thị trường xuất khẩu dầu thô, từ đó khiến nguồn cung dầu dư thừa ngày một nhiều.

Thực tế tác động của thỏa thuận này đã có ảnh hưởng trước khi phiên giao dịch dầu tiên được thực hiện hôm nay. Thị trường chứng khoán Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC đã giảm xuống hơn 5% hôm 17/1. Giá dầu thế giới cũng lập nhiều kỉ lục thấp trong tuần qua. Giá dầu thô của Mỹ có xu hướng giảm trong hơn 1 năm, với việc giảm gần 40% chỉ trong 3 tháng qua. Có nhiều dự đoán giá dầu có thể sớm giảm xuống mức 20 USD/thùng.  

Câu hỏi hiện nay là Iran sẽ tăng lượng sản xuất dầu lên bao nhiêu và thời gian là bao lâu? Nếu theo đúng dự định trước đó, chính phủ Iran sẽ tăng sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng/ngày trong 6-7 tháng tới, đưa sản lượng dầu thô của nước này trở lại ngưỡng 3,4 triệu thùng/ngày trong vòng 1 năm.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính, Iran chỉ có thể đưa vào thị trường từ 400.000 – 500.000 thùng/ngày. Trong khi một số chuyên gia dự đoán chỉ khoảng 300.000 thùng/1 ngày trong 6 tháng tới. Tuy vậy, Giám đốc một trung tâm nghiên cứu thị trường tại Mỹ - Larry Goldstein cho rằng, với bất cứ lượng dầu nào Iran bơm vào thị trường thì thế giới sẽ chứng kiến nguồn cung dầu bị thừa trong thời gian tới.

Điều này có thể mang lại lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu nhưng cũng có thể tác động đến sự phục hồi kinh tế của Mỹ, khi các công ty năng lượng cắt giảm đầu tư và việc làm. Giá dầu giảm cùng với mối lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể đẩy chứng khoán Mỹ rơi vào giai đoạn bất ổn, kéo theo những tác động chung đến nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, nhiều nước sản xuất dầu cũng đang đối mặt với một cuộc chiến kinh tế do giá dầu lao dốc. Chính phủ Venezuela mới đây ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong 60 ngày trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Hiện giá dầu của Venezuela được giao dịch ở mức 24 USD/thùng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu của quốc gia này. Dầu khí chiếm tới 96% kim ngạch xuất khẩu của Venezuela. Tổng thống Venezuela - Nicolás Maduro kêu gọi đối thoại giữa các nước sản xuất dầu trong và ngoài OPEC để chấm dứt việc giá dầu tiếp tục lao dốc.

“Tôi đã chỉ thị cho các cơ quan liên quan tái khởi động tất cả các cuộc đối thoại với các nước trong OPEC và ngoài OPEC để ngăn chặn cuộc chiến giá cả và khôi phục thị trường dầu. Các nước như Nga, Saudi Arabia và tất cả thành viên không thuộc OPEC và trong OPEC cần phải tiếp tục theo đuổi một công thức phục hồi chung cho thị trường và giá dầu”, ông Maduro nói:

Thủ tướng Nga Medvedev hôm 17/1 cũng thừa nhận, sự biến động mạnh trên thị trường dầu mỏ đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng trong việc thực hiện ngân sách và nước Nga cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào trên thị trường dầu mỏ./.