Không bàn về khía cạnh pháp lý cũng như tính hợp pháp của việc sáp nhập này bởi vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy rõ là sự lo lắng khi người đang chạy xe Uber thì lo lắng không biết khi Grab tiếp nhận thì quyền lợi của họ sẽ ra sao?

Trong khi người đang chạy Grab thì băn khoăn về quyền lợi khi Grab tiếp nhận các tài xế Uber mới… Nhiều khách hàng lại càng có lí do để lo lắng vì nếu Uber không còn hoạt động, chắc chắn họ sẽ phải phụ thuộc vào Grab nhiều hơn bởi không có sự chọn lựa.

1_fjdv.jpg
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Uber, Grab vẫn căng thẳng  sau khi Uber rút đi.

Tập đoàn Mai Linh cho rằng, việc sáp nhập của Uber với Grab là cơ hội tốt để giành lại thị phần. Đại diện của Mai Linh taxi cho biết, thời gian qua có nhiều tài xế trước đây chạy taxi cho Mai Linh bỏ sang chạy Uber, Grab đã quay lại với hãng.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh chia sẻ, đây là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức. "Người ta đến rồi có giữ chân được không? Có khách hàng không? Nếu người Việt ủng hộ sản phẩm người Việt và chúng ta cố gắng chứng minh với người nước ngoài là chúng ta có công nghệ tốt, dịch vụ tốt không thua kém sản phẩm người nước ngoài thì chúng ta thành công?", ông Huy trăn trở.

Một doanh nghiệp vận tải truyền thống khác là Vinasun cũng đón nhận thông tin sáp nhập Uber với Grab với sự lạc quan. Doanh nghiệp này cũng đang nỗ lực làm mới mình, cố gắng bám kịp với xu hướng mới trong cuộc cách mạng 4.0. Không thể cạnh tranh công nghệ với các ông lớn, hãng hướng sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó Tổng Giám đốc Vinasun taxi cho rằng, bớt đi một đối thủ thì cũng dễ thở hơn và bắt đầu tín hiệu tích cực cho taxi chính thống. Nhưng phục vụ khách hàng vẫn là mấu chốt, vấn đề quan trọng là làm sao chấn chỉnh chất lượng dịch vụ.

Các doanh nghiệp taxi trong nước cần phải làm mới mình.

Ở góc độ chuyên gia, Tiến sỹ Phạm Sanh cho rằng, đây là điều bình thường. Việc cạnh tranh giữa các hãng sẽ giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Việt Nam cũng có gần chục doanh nghiệp vận tải làm thí điểm về taxi công nghệ... nhưng không thể thành công bởi nhiều lí do.

Theo ông Sanh, ngoài yếu tố hiện đại về công nghệ thì một lí do quan trọng để Grab ngày càng thống lĩnh thị trường là thái độ. Chính yếu tố tiếp cận, xem khách hàng là quan trọng nhất đã giúp cho Grab đánh bại các đối thủ trong nước và cả Uber.

Việc Uber rút lui và mới đây là Công ty Phương Trang nhảy vào rót vốn 100 triệu USD để phát triển loại hình này, Tiến sỹ Phạm Sanh cho rằng, thị phần tại TPHCM vẫn còn rất lớn. Trong bối cảnh mà Metro và các loại hình vận tải công cộng vận chuyển hành khách lớn chưa phát triển thì các loại phương tiện chuyên chở nhỏ như taxi vẫn là xu hướng thịnh hành.

Vì thế, ông Sanh cho rằng, doanh nghiệp vận tải trong nước phải xem đây là cơ hội vàng để đẩy mạnh phát triển, "đánh chiếm" thị phần mà Uber để lại. Doanh nghiệp phải nhìn lại mình, đổi mới cho phù hợp với xu hướng thì mới phát triển được.

Tiến sỹ Phạm Sanh lưu ý: Việc một doanh nghiệp nước ngoài rút hay nhảy vào thị trường Việt Nam không quan trọng, mà cái chính là chúng ta phải đổi mới mình. Ở trong câu chuyện này, vai trò quản lý của Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Giao thông - Vận tải lại quá chậm.

"Trong quản lý Uber, Grab mới đây gây ra phản ứng nhiều của taxi truyền thống là do quản lý Nhà nước quá chậm. Trên thế giới, người ta thực hiện việc này rất nhanh. Khi quản lý Nhà nước rõ ràng thông qua Nghị định Chính phủ thì sẽ có nhiều doanh nghiệp nữa nhảy vào, chứ không riêng gì Phương Trang", ông Phạm Sanh cho hay.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM cũng nêu quan điểm: Không nên quá lo về chuyện “độc quyền” của Grab khi Uber rút đi. Uber rút đi thì sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải trong nước và cả nước ngoài.

Ngoài ra, dù thị phần bị giảm đi nhưng taxi truyền thống vẫn luôn đóng một vai trò rất lớn trong vận chuyển. Vì thế, nếu như các doanh nghiệp taxi truyền thống, nhất là các doanh nghiệp lớn như Vinasun, Mai Linh chú trọng phục vụ hành khách, khắc phục các điểm yếu cố hữu (như gọi cuốc thì không biết có xe hay không? Khách lạ bị chạy lòng vòng để thêm tiền hoặc là bỏ qua khách đi chặng ngắn…) thì chắc chắn vẫn sẽ giữ được một lượng khách nhất định, ông Tính khẳng định.

Theo ông Lê Trung Tính, phần lớn phần mềm của các doanh nghiệp trong nước mới ở mức sơ khai, chưa đủ sức để cạnh tranh với các phần mềm của Uber, Grab nên phải nỗ lực nghiên cứu cải tiến công nghệ để đưa phần mềm ngày càng xuất sắc, cạnh tranh sòng phẳng, chứ không nên kêu ca cạnh tranh bất bình đẳng.../.