Tại buổi họp báo ngày 10/12 của Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo “Một Đông Á phục hưng, điều hướng một thế giới đang thay đổi”, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ tác động gì đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, những căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mang lại cho Việt Nam những cơ hội được hưởng lợi ngắn hạn.
Những căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mang lại cho Việt Nam những cơ hội được hưởng lợi ngắn hạn. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo giải thích của ông Sudhir Shetty, lợi ích đó là khi hàng hóa Trung Quốc gặp khó khi xuất khẩu sang Mỹ sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam “chen chân” vào. Cơ hội cũng có thể đến từ việc các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang những nơi khác trong đó có Việt Nam.
Ông Sudhir Shetty cũng nhìn nhận: Trong trung hạn, khi thương mại toàn cầu suy giảm cũng như kinh tế Trung Quốc suy giảm hay có những bất định nổi lên trong khu vực thì điều quan trọng nhất là Việt Nam phải tìm cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo giải quyết được mọi khó khăn về kinh tế để tiếp tục hội nhập trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực.
“Trong bối cảnh đó, phải tận dụng tối đa việc ký kết hiệp định CPTPP cũng như hiệp định mới FTA giữa Việt Nam với EU. Chúng tôi tin rằng, hiện Việt Nam đã có cải cách để tạo ra sân chơi công bằng, nhưng cũng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếp cận đất đai, vốn. Với sự bất cân đối giữa khu vực FDI với khu vực tư nhân trong nước, cần nỗ lực nhiều hơn để kết nối giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với các doanh nghiệp FDI”, ông Sudhir Shetty cho hay.
Đông Á khó giữ "phong độ" phát triển
Liên quan đến dự báo về tương lai khu vực, báo cáo “Một Đông Á phục hưng, điều hướng một thế giới đang thay đổi” cho rằng, khu vực Đông Á sẽ khó giữ được mức độ phát triển như hiện nay trong tương lai. Mô hình phát triển mang tên “phép màu Đông Á” sẽ phải điểu chỉnh để thích ứng với việc công nghệ thay đổi, sự chững lại của tăng trưởng thương mại và sự thay đổi bối cảnh các quốc gia, nếu muốn giữ vững mức phát triển như hiện nay.
Theo báo cáo, nửa thế kỷ trước, nhiều quốc gia trong khu vực vẫn còn là các nước nông nghiệp nghèo đói và còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các xung đột tồn đọng và sử dụng cơ chế kinh tế tập trung. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động kinh tế trong khu vực này đang phát triển mạnh mẽ, khu vực này bao gồm cả các quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập cao, đóng góp gần 1/3 GDP toàn cầu.
Hơn 90% dân số khu vực Đông Á đang sinh sống tại 10 quốc gia có thu nhập trung bình gồm, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Laos, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Rất nhiều trong số này có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao trong 1 hoặc 2 thế hệ nữa.
“Trong vòng 25 năm qua, khu vực Đông Á nổi lên là khu vực phát triển thành công nhất. GDP của khu vực này tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 và giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo. Bên cạnh những thành tựu nổi bật này, khoảng cách về năng suất lao động, vốn nhân lực và mức sống của các quốc gia trong khu vực này vẫn cách khá xa so với các quốc gia có thu nhập cao.
Nghiên cứu này chỉ ra bài học thành công của giai đoạn trước chưa chắc còn phù hợp trong giai đoạn tiếp theo, khi các quốc gia trong khu vực hướng tới sự chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình sang quốc gia có thu nhập cao”, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho hay./.