Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn đến một hiệp định thương mại cuối cùng. Tuy nhiên hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn cách biệt lớn về lập trường quan điểm trong một số vấn đề nhất định. Trong khi Trung Quốc muốn Mỹ gỡ bỏ thuế quan hiện nay đối với hàng hóa Trung Quốc, thì Bắc Kinh lại muốn Washington đảm bảo sẽ tuân thủ thỏa thuận thông qua việc ký cam kết về cơ chế thực thi.
Hiện là thời điểm then chốt để 2 siêu cường kinh tế cùng vượt qua những rào cản cuối cùng để đi tới ký kết một thỏa thuận chính thức khép lại cuộc chiến thương mại kéo dài suốt nhiều tháng qua.
Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn cách biệt lớn về lập trường quan điểm trong một số vấn đề nhất định. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo nhận định của ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, hiện tại, khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại là cao hơn so với nguy cơ thất bại. Vị quan chức này nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc đã bước vào "giai đoạn cuối của cuộc chơi" và rằng hai bên đã đi được 90% cuộc đàm phán để đạt đến một thỏa thuận, nhưng 10% cuối cùng mới là phần khó nhất, yêu cầu sự đánh đổi từ cả hai phía.
Cũng theo ông Myron Brilliant, các nhà đàm phán Mỹ - Trung cần phải cho thấy tiến triển trong tuần này về một cơ chế thực thi và một kế hoạch cắt giảm các loại thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa của Trung Quốc. Nếu hai bên không tiến gần hơn đến thỏa thuận trong tuần này thì thời điểm đạt được thỏa thuận sẽ bị kéo dài thêm vài tuần nữa.
Ông William Zarit, một cựu quan chức Mỹ làm việc tại Trung Quốc khẳng định, nếu vòng thảo luận tuần này thành công có thể giúp mở đường cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra ngay trong tháng này. Cũng theo chuyên gia này, một thỏa thuận thương mại có thể giải quyết hầu hết các vấn đề còn tồn tại sẽ góp phần xua tan "đám mây" u ám đang bủa vây nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc ngày hôm qua, ông Lý Đạo Khôi, giám đốc Trung tâm vì Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, thuộc Đại học Thanh Hoa cho biết, việc thiết lập một cơ chế giám sát lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể góp phần giảm bớt những bất đồng thương mại đang nảy sinh giữa hai bên.
"Tôi thích ý tưởng thành lập một ủy ban, một ủy ban chung cho cả hai bên - Mỹ và Trung Quốc - để không chỉ là nơi trao đổi, thảo luận, mà còn hướng tới mục tiêu giám sát các thỏa thuận giữa hai bên. Cần thiết để cả chính phủ Mỹ và chính phủ Trung Quốc thành lập một nhóm làm việc chung", ông Lý Đạo Khôi nêu rõ.
Đã có không ít những tiến triển được ghi nhận từ các vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung thời gian qua. Phó Thủ tướng Lưu Hạc vừa dẫn đầu một phái đoàn của Trung Quốc đến Washington để tiếp tục thảo luận các vấn đề thương mại với giới chức Mỹ. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dự kiến trong ngày 3/4 (theo giờ Mỹ) sẽ tiếp tục các cuộc trao đổi với phái đoàn Trung Quốc do ông Lưu Hạc dẫn đầu.
Vòng đàm phán mới nhất này diễn ra chỉ vài ngày sau khi cả hai bên báo cáo kết quả vòng đàm phán diễn ra hồi tuần trước tại Bắc Kinh, vốn được miêu tả là "cuộc đối thoại đầy tính xây dựng".
Nếu các cuộc thảo luận tiếp theo cũng đem lại nhiều kết quả tích cực, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ sớm gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để chính thức ký hiệp định.
Các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã gặp nhau trên dưới chục lần, song hiện chưa rõ vòng đàm phán lần này có thể mang lại kết quả đột phá hơn so với những vòng đàm phán trước đó hay không. Dẫu vậy, nhiều nhà phân tích có vẻ như đang rất lạc quan cho rằng một thỏa thuận kết thúc những căng thẳng bấy lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc đang nằm trong tầm với của hai siêu cường kinh tế này./.Đàm phán Mỹ - Trung trước hạn chót đình chiến thương mại: Khó đột phá