Con số ấn tượng là tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong năm 2020 ước đạt 689,07 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt 22,14 triệu Teus, tăng 13% so với năm 2019.
Để đưa ngành hàng hải “vượt sóng” vươn khơi cũng như xác định cụ thể những khó khăn trong năm 2021 để có giải pháp xử lý hiệu quả, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang về những định hướng phát triển của ngành trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Xuân Sang: Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượt tàu vào cảng và sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển có xu hướng tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, kết quả thu phí, lệ phí hàng hải trong năm 2020 đạt được kế hoạch đề ra. Tổng số nộp ngân sách nhà nước đạt 2.881 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2019, đạt gần 100% so với dự toán giao.
Trong đó, phí cảng vụ đạt 1.175 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2019 và đạt 107% so với dự toán giao; Phí bảo đảm hàng hải đạt 1.913 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 92% so với dự toán giao; Thu cho thuê kết cấu hạ tầng hàng hải đạt 406 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2019 và đạt 134% so với dự toán thu.
Các dự án của ngành đều đã hoàn thành nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng bảo đảm đúng tiến độ; đã thực hiện thanh quyết toán dự án, giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao và không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Ông Nguyễn Xuân Sang:Tính đến tháng 12/2020, đội tàu biển Việt Nam có 1.516 tàu (trong đó tàu vận tải là 1.049 tàu), với tổng dung tích 5,7 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT.
Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới.
Độ tuổi tàu bình quân của đội tàu Việt Nam là 15,5 tuổi và trẻ hơn 5,8 tuổi so với thế giới (theo số liệu của UNCTAD, tuổi tàu bình quân của thế giới là 21,3 tuổi). Trong đó, tàu có độ tuổi trung bình trẻ nhất là tàu chở khách là 7,9 tuổi; tàu có độ tuổi cao nhất là tàu khí hóa lỏng 23,6 tuổi; tàu container 17,7 tuổi; tàu dầu hóa chất 17,6 tuổi.
Về sản lượng vận tải hàng hóa của đội tàu biển Việt Nam năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn tăng trưởng, ước đạt 159,42 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2019; trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 2,6 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời,... Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hoá tổng hợp…
Về vận tải biển quốc tế hiện nay, do dịch Covid - 19 kéo dài khối lượng vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam đang đảm nhận giảm so với vài năm gần đây ước đạt 7% thị phần và chủ yếu vận tải các tuyến gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn như: Đông Nam Á và Đông Bắc Á; một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.
Ông Nguyễn Xuân Sang:Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 6 nhóm cảng biển với 45 cảng biển đang hoạt động. Trong đó có 10 cảng biển quy mô lớn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và hội nhập cùng thế giới.
Phải kể đến phía Bắc có cảng biển Hải Phỏng có lưu lượng hàng hóa lưu thông lớn nhất phía Bắc Việt Nam, với hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn và phù hợp với phương thức vận tải, thương mại quốc tế.
Phía Nam là cảng Sài Gòn với một hệ thống các cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh (Tân Cảng Cát Lái, Cái Mép, Hiệp Phước,…) đóng vai trò là cửa ngõ của miền Nam (bao gồm cả Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long) trong các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.
Cảng Vũng Tàu là cảng biển lớn ở Đông Nam Bộ Việt Nam, gồm 4 khu bến: Khu bến Cái Mép, Sao Mai, Bến Đình; Khu bến Phũ Mỹ, Mỹ Xuân; Khu bến sông Dinh; Khu bến Đầm, Côn Đảo. Đây là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia - đầu mối quốc tế của Việt Nam.
Cảng Vân Phong thuộc khu vực Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, là dự án cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam. Cảng Vân Phong gồm hai khu bến: Khu bến Mỹ Giang nằm ở phía Nam Vịnh Vân Phong: chuyên dùng cho dầu và các sản phẩm dầu.
Cảng Quy Nhơn nằm trong khu vực Vịnh Quy Nhơn, có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30.000 DWT lưu thông bình thường và tàu 50.000 DWT (giảm tải). Với vị trí là của ngõ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các nước trong khu vực sông Mê Kông, cảng Quy Nhơn nằm sát với tuyến đường hàng hải quốc tế nên rất thuận tiện cho tàu nước ngoài lưu thông.
Cảng quốc tế Dung Quất được đánh giá là một cảng thương mại hiện đại đã và đang góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào các khu kinh tế Dung Quất và khu công nghiệp lân cận.
Cảng Chân Mây là một cảng biển tổng hợp đầu mối loại I của nước ta. Đây là 1 trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng là điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.
Cảng Đà Nẵng, ngoài là cửa ngõ chính hướng ra Biển Đông, còn được chọn là điểm đến cuối cùng trong tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền 4 nước trong khu vực: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ngoài ra, các cảng biển nước sâu Quảng Ninh, Cảng Cửa Lò...tạo thành một mạng lưới đồng bộ cảng biển Việt Nam kết nối các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và ra thế giới.
Hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng: cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, phát triển cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng, quy mô và được phân bố trải rộng theo vùng miền, tận dụng tối đa được điều kiện tự nhiên, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Sang:Hiện cả nước có 8 trung tâm logistics và 21 cảng cạn ICD đã đi vào hoạt động. Phần lớn các trung tâm logistics và ICD đều ở vị trí thuận lợi nên thời gian qua đã hỗ trợ khá hiệu quả cho việc hàng xuất, nhập khẩu qua các cảng biển đầu mối.
Năm 2019, Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng chỉ số hoạt động logistics (LPI) là 39/160, tăng 25 bậc so với năm 2016.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, hoạt động trong các lĩnh vực từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa,... và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua việc làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.
Có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải và logistics, 70% trong đó có trụ sở ở khu vực TP Hồ Chí Minh. Nhiều công ty logistics lớn trên thế giới đã tham gia thị trường logistics Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp logistics của Việt Nam kinh doanh ở cấp độ 1 (logistics tự cấp) và 2 (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ hai).
Năm 2020, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, khiến toàn bộ hoạt động thương mại, vận tải, kho bãi đều bị ảnh hưởng. Các dịch vụ hàng hải tại một số bến cảng tiếp tục gặp những khó khăn nhất định; nhiều bến cảng nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả, thiếu các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa hiện đại, năng suất khai thác thấp.
PV: Với tất cả những lợi thế trên, Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng và triển khai các quy hoạch, chiến lược, đề án hàng hải như thế nào trong năm 2021 và những năm tiếp theo?
Ông Nguyễn Xuân Sang: Cục HHVN triển khai lập và hoàn thành quy hoạch báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó tích hợp đầy đủ các nội dung nghiên cứu quy hoạch điều chỉnh cảng biển Sóc Trăng - Trần Đề, khu bến cảng Lạch Huyện, Đề án Nâng cao hiệu quả hiệu quả khai thác cảng biển Hải Phòng. Đồng thời, triển khai lập quy hoạch chi tiết nhóm cảng biền, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước; Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển; Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn.
Có 7 dự án chuẩn bị đầu tư sắp tới, gồm Dự án Nghiên cứu tổng thể, toàn diện tuyến luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải; Dự án Đầu tư nạo vét luồng vào cửa Bồ Đề phục vụ khai thác cảng Năm Căn, tỉnh Cà Mau;
Dự án đầu tư xây dựng luồng tàu biển 30.000DWT từ cảng Quy Nhơn đến Khu kinh tế Nhơn Hội; Dự án Nạo vét luồng cho tàu 5.000DWT-10.000DWT qua cửa Định An vào sông Hậu; Dự án đầu tư xây dựng luồng kênh Cái Tráp; Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp, mở rộng kênh Hà Nam; Dự án đầu tư Đóng mới 01 tàu chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn hoạt động xa bờ....
Về hợp tác quốc tế, Cục HHVN sẽ thúc đẩy việc trao đổi, đàm phán hoàn tất việc ký kết Thỏa thuận với phía Azerbaijan; tiếp tục trao đổi, đàm phán dự thảo Hiệp định vận tải biển song phương với Hà Lan, Phần Lan; Thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo Công ước STCW với Phần Lan, Vương quốc Anh; Triển khai các nội dung hợp tác trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục HHVN và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam....
PV: Xin cảm ơn ông!