HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã chính thức bổ nhiệm ông Johnathan Hạnh Nguyễn (bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT công ty thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương.
Thông qua các công ty riêng như Công ty XNK Liên Thái Bình Dương, Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nắm giữ tới gần 44% cổ phần tại SASCO. (Đồ họa: Quang Thắng) |
Công ty SASCO tiền thân là Công ty Dịch vụ Hàng không các Sân bay miền Nam được thành lập từ năm 1993. Mãi đến năm 2015, công ty này mới chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.
Hiện tại, doanh nghiệp này là công ty cung cấp dịch vụ thương mại sân bay lớn nhất nước với các ngành nghề kinh doanh chính, như dịch vụ soi chiếu an toàn hàng không; hành khách hàng không; thương mại ở nhà ga sân bay; phục vụ mặt đất; cất hạ cánh…
Sở hữu gần 44% cổ phần tại SASCO thông qua các công ty riêng, nhưng ông Johnathan Hạnh Nguyễn không phải là cổ đông lớn nhất của công ty. Hiện tại, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới là cổ đông lớn nhất, nắm giữ tới 49,81% cổ phần tại đây.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của SASCO, đến hết quý I, công ty này ghi nhận gần 2.100 tỷ đồng tổng tài sản, đáng chú ý có tới 27% là tiền và các khoản tương đương tiền.
Vốn chủ sở hữu hiện tại của SASCO ở mức 1.524 tỷ đồng, phần lớn là vốn góp của chủ sở hữu, lên tới 1.315 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này cũng đang có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ năm 2016 khá hậu hĩnh, lên tới 143 tỷ đồng.
SASCO cũng đang có khoảng 123 tỷ đồng nợ vay tại ngân hàng sắp đến hạn trả, bao gồm khoản vay 60 tỷ đồng tại Vietinbank và gần 59 tỷ đồng vay tại MBBank, cùng với gần 4 tỷ đồng nợ thuế tài chính đến hạn trả.
Với kết quả kinh doanh trong quý I, SASCO đã hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu và 35% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch cả năm. (Đồ họa: Quang Thắng) |
Với vị thế là công ty dịch vụ cảng hàng không lớn nhất cả nước, doanh thu của doanh nghiệp những năm gần đây tương đối ổn định, đều xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận của công ty lại biến động rất thất thường.
Như năm 2016, SASCO ghi nhận 2.089 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so với năm 2015. Đáng chú ý, khoản đầu tư tài chính chỉ chiếm 16% tổng tài sản nhưng năm qua công ty này thu về tới 175 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động này, tăng gần 3 lần so với năm trước.
Các chỉ số kinh doanh không tăng trưởng nhiều so với năm 2015 nhưng chi phí quản lý giảm hơn một nửa, đã giúp SASCO cải thiện đáng kể kết quả lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Năm 2016, SASCO ghi nhận 234 tỷ đồng lợi nhuận ròng sau thuế, tăng gần 20 lần so với kết quả lợi nhuận năm 2015.
Trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu của doanh nghiệp ghi nhận đạt 587 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ hàng hóa bán tại các cửa hàng miễn thuế chiếm gần một nửa tổng doanh thu, đạt 287 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động phòng khách đóng góp 83 tỷ đồng và thu từ hàng hóa tại các trung tâm thương mại đạt 87 tỷ đồng…
Kết quả, doanh nghiệp này thu ròng 66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng tới 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2017, công ty đặt chỉ tiêu 2.217 tỷ đồng doanh thu và 220,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kết quả đạt được trong quý I, doanh nghiệp này đã thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu và 35% lợi nhuận.
Cổ phiếu SAS của công ty được niêm yết trên sàn UPCoM từ tháng 3/2015.
Hiện tại, SAS được giao dịch với giá trong khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp dịch vụ cảng hàng đầu Việt Nam này đạt hơn 3.300 tỷ đồng./.