Đóng góp ý kiến cho Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020, TS. Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) - nhận định, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu trong thời kỳ đại dịch.

Lãnh đạo World Bank nêu rõ: Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết và đưa vào thực hiện các hiệp định thương mại và đầu tư quan trọng với CPTPP và EVFTA. Những hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa năng suất và tăng trưởng của Việt Nam.

Việt Nam đã phát triển cực kỳ tốt trong giai đoạn sau khủng hoảng toàn cầu 2009-2017 với tốc độ tăng trưởng cao nhất về giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu, và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ tăng vốn FDI cao nhất. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong việc hội nhập vào lĩnh vực chế biến chế tạo, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng việc làm.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% - nhiều hơn khoảng hai lần so với thương mại truyền thống, do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng sẽ là quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo TS. Victoria Kwakwa, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế. Việt Nam cần chuẩn bị cho sự dịch chuyển tương lai trong các chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ đối với thị trường lao động.

TS. Victoria Kwakwa đưa ra công thức "bánh Trung thu" (P.I.E) cho thành công của Việt Nam. Công thức này bao gồm: Khu vực tư nhân sôi động và sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với FDI (P), các Thể chế hữu hiệu (I) và Giáo dục có chất lượng (E). Bà Kwakwa bày tỏ hi vọng rằng tất cả mọi người đều nhận được phần bánh công bằng./.