Đó là thông tin tại báo cáo mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình lao động, việc làm 2018 và đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu về lao động, việc làm 2019.
30% có cuộc sống khó khăn
Theo báo cáo này, tính đến cuối năm 2018 cả nước có khoảng 15,7 - 16 triệu lao động trong các loại hình doanh nghiệp (công nhân lao động).
Do việc làm bấp bênh, cùng với một số hạn chế trong việc áp dụng chính sách tiền lương nên hiện có khoảng 30% công nhân lao động có thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Số công nhân lao động có dư dật, tích luỹ chủ yếu thuộc lao động quản lý, lao động có trình độ chuyên môn cao.
46% công nhân lao động đang bức xúc vì tiền lương, thu nhập còn thấp so với công sức họ bỏ ra. |
Báo cáo dẫn số liệu khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn năm 2018: chỉ có 51,3% công nhân lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống, vẫn còn 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% cho biết thu nhập không đủ chi tiêu, vẫn phải làm thêm để cải thiện cuộc sống. Có 46% đang bức xúc vì tiền lương, thu nhập còn thấp so với công sức họ bỏ ra.
Tổng Liên đoàn phản ánh tình trạng khá phổ biến là nhiều doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng nên mức lương cơ bản, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân lao động rất thấp, chỉ trên mức lương tối thiểu vùng khoảng 10 - 15%. Nhiều nơi, công nhân lao động bị cắt giảm các chế độ phúc lợi, tiền thưởng khi tiền lương tối thiểu và mức đóng bảo hiểm xã hội tăng.
Năm 2019, theo báo cáo, tình hình tiền lương, thu nhập của công nhân lao động tiếp tục được cải thiện và nâng cao một bước nhưng không nhiều. Các doanh nghiệp đều đã điều chỉnh tiền lương theo mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 nhưng mức tăng thấp, bình quân chỉ khoảng 5,7%. Bên cạnh đó, nhiều công nhân lao động có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng chỉ được điều chỉnh tăng lên ít hoặc không tăng.
2/3 không hài lòng với việc làm hiện tại
Ngoài tiền lương, Tổng Liên đoàn nhận định, vấn đề an ninh việc làm, an sinh xã hội và bảo đảm việc làm bền vững của công nhân lao động cũng đang là vấn đề bức thiết của năm 2018.
Hiện có khoảng 2/3 số công nhân lao động, tập trung ở hầu hết số lao động trực tiếp, chưa hài lòng với việc làm và cuộc sống hiện tại, thậm chí có tới 1/3 có thái độ tiêu cực trong lối sống, suy nghĩ và hành động, báo cáo nêu số liệu định lượng.
Tổng Liên đoàn cũng cho hay, hiện chỉ có 235 nghìn doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội và tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động mới đạt khoảng 25%.
Nhiều công nhân lao động nữ không được giải quyết chế độ thai sản do doanh nghiệp nợ đọng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, hoặc doanh nghiệp bị giải thế, phá sản, chủ bỏ trốn.
Ví dụ được nêu tại báo cáo là Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong (Trà Vinh) ngày 30/1 đã công bố cho 19.000 lao động thôi việc từ đầu tháng 2/2019, trong đó nhiều người là phụ nữ, đang nuôi con nhỏ, lại không có tiền tích luỹ, nhưng lại không tìm được việc làm ngay và họ rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2018 cả nước có 762 ngàn công nhân lao động chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó nữ chiếm 53,6%.
Đáng chú ý, mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động, tranh chấp lao động xảy ra ở khu vực doanh nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp.
2018 cả nước đã xảy ra 208 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, giảm 96 cuộc so với cùng kỳ 2017.
Với 2019, Tổng Liên đoàn cho rằng việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu bảo đảm việc làm, tiền lương và quyền lợi của người lao động gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, lao động các ngành được bảo hộ nhiều, các ngành kém hiệu quả sẽ bị mất việc làm, kéo theo thách thức lớn đối với vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động với mức lương thấp, không có tích lũy tài chính./.
Tiền lương chiếm phần lớn trong chi ngân sách: Áp lực tài chính công
Tiền lương của cán bộ công chức: Cần “phá” ra làm lại?