3 triển lãm quan trọng của ngành công nghiệp chế tạo và công nghệ hỗ trợ đang diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội từ ngày 15 - 17/9, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hà Nội (Sở Công thương Hà Nội) phối hợp với Công ty Reed Tradex (Thái Lan) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức. Đó là: Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 tại Hà Nội, triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2011 và Triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam. 200 gian hàng đến từ 20 quốc gia tham gia trưng bày các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, máy móc…
Là một trong các nhà tổ chức 3 triển lãm trên, ông Takezo Yanagida, Phó Chủ tịch JETRO cho rằng, trong những năm gần đây tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam tăng cao hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp này đã đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó bao gồm tạo thêm việc làm cũng như chuyển giao công nghệ.
Theo ông Yanagida, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải là khó khăn trong việc tìm kiếm linh phụ kiện được sản xuất trong nước. Theo một điều tra của JETRO, tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất linh kiện ở Việt Nam thấp hơn các nước ở Đông Nam Á. Vì thế, các nhà chế tạo Nhật Bản ở Việt Nam phải nhập khẩu linh kiện từ các quốc gia khác như: Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh về mặt xuất khẩu của các nhà sản xuất thành phẩm mà còn ảnh hưởng tới lợi nhuận thương mại của Việt Nam. Ông Yanagida cũng hy vọng các bên tham gia triển lãm sẽ tận dụng cơ hội này để mở ra các hợp tác mới giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Các đại biểu tham quan triển lãm |
Ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã hình thành từ lâu nhưng vẫn ở quy mô nhỏ với sản lượng thấp. Lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy của Việt Nam đã phát triển mạnh trong thập kỷ qua nhờ có lợi thế về nhân công cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài. Triển lãm “từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp” chính là yếu tố cho thấy sự tăng trưởng công nghiệp và kinh doanh. Sự đầu tư diễn ra trong triển lãm là kế hoạch dài hạn, đặc biệt dành cho sự mở rộng kinh doanh, thị trường cũng như giới thiệu dòng sản phẩm và nâng cao dịch vụ. Triển lãm về công nghiệp phụ trợ sẽ là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước để tiếp cận các kiến thức cũng như công nghệ chế tạo mới từ các nhà đầu tư nước ngoài.
** Ông Chainarong Limpkittisin, Giám đốc điều hành của Reed Tradex: “Sự kiện tiêu biểu quy tụ các nhà đầu tư và sản xuất hàng đầu trong ngành công nghiệp”
** Ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội: “Tạo cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới và phát triển”
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam cũng như Hà Nội đã hình thành và phát triển trên 20 năm ở hầu khắp các ngành sản xuất. Tuy nhiên, sự phát triển này mang tính tự phát, manh mún, xuất phát từ nhu cầu sản xuất của từng nhóm doanh nghiệp chứ chưa có định hướng chiến lực tập trung vào một số ngành trọng điểm để phát triển. Có thể xem xét việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô, xe máy là ngành có điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt nhất do thị trường lớn, nhưng tỷ trọng doanh thu cũng chỉ chiếm 40% ngành CNHT thành phố; ngành điện tử- tin học còn thấp hơn chỉ chiếm 10%; ngành cơ khí chế tạo là nhóm ngành có nhiều loại sản phẩm nhất nhưng cũng chỉ chiếm 29,16% doanh thu CNHT.
Định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội từ nay đến năm 2015 là hướng đến công nghệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ưu tiên phát triển các sản phẩm phục vụ công nghiệp có giá trị cao, ứng dụng yếu tố tri thức, chẳng hạn như: tự động hoá, tin học, sinh học. Chính hội chợ triển lãm “Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2011” lần này là một điểm nhấn, bước đầu tạo điều kiện xúc tiến cho các doanh nghiệp./.