Nhân dịp 50 năm thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sáng 19/7, tại Hà Nội, các đơn vị của Bộ Ngoại giao gồm Vụ ASEAN, Vụ Tổng hợp Kinh tế và Báo Thế giới & Việt Nam, phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA, Nhật Bản) tổ chức buổi Tọa đàm “50 năm ASEAN: AEC và cơ hội cho danh nghiệp Việt Nam” và triển lãm, giao lưu bên lề.

toa_dam1_vov_jbkb.jpg
Quang cảnh buổi Tọa đàm “50 năm ASEAN: AEC và cơ hội cho danh nghiệp Việt Nam”.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu trong và ngoài nước. Tại buổi tọa đàm, ERIA công bố nghiên cứu, đánh giá được thực hiện trong thời gian qua về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Ngoài ra ERIA cũng phân tích các cơ hội và thách thức của AEC trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương và thế giới có nhiều chuyển biến bất ngờ hiện nay.

Cơ hội là rất lớn

Theo ERIA, trong xu thế các thỏa thuận thương mại đa phương trong khu vực đang có dấu hiệu chững lại, việc nắm rõ tình hình của cộng đồng AEC nói riêng và khối ASEAN nói chung sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận ra điểm yếu của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có cơ hội phát huy điểm mạnh trong việc hội nhập hiệu quả với khu vực, từ đó hướng ra thị trường toàn cầu.

Phát biểu tại Tọa đàm, Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch ERIA cho rằng: “ASEAN tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới nên Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội trong mọi lĩnh vực khi hình thành AEC, trong đó có dịch vụ, xây dựng hay du lịch… Làm thế nào để tận dụng lợi thế mà ASEAN mang lại? Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu mở rộng sự có mặt của mình trong ASEAN”.

Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch ERIA.

ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam.

ASEAN là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN. Các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. ASEAN đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững thời gian qua.

Thách thức cũng không nhỏ

Trả lời phỏng vấn của báo giới bên lề tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN đang cùng chia sẻ những lợi thế nổi trội khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập trên nền tảng của một ASEAN đang là một “trung tâm tăng trưởng” của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ về AEC.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.

“Cộng đồng kinh tế ASEAN đem lại những gì cho doanh nghiệp? Những thách nào chờ đợi phía trước, khó khăn nào cần phải giải quyết và vượt qua? Nhiều doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa rõ câu trả lời”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, so với các doanh nghiệp của bạn trong khối ASEAN, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi sau, tiềm lực hạn chế hơn, kinh nghiệm cũng ít hơn, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế… Đây là những trở ngại chính khi Việt Nam tham gia AEC.

Phần thưởng chỉ dành cho người biết học hỏi, vươn lên

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng: “Thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia AEC là rất lớn nhưng đây cũng chính là cơ hội còn việc Việt Nam có tận dụng được hay không là do khả năng, sức cạnh tranh và nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp trong nước”.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục “đổi mới” và cải cách nền kinh tế. Tinh thần “đổi mới” được thể hiện qua những nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và lắng nghe.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

Ở trong nước, Chính phủ tạo môi trường để doanh nghiệp trưởng thành và phát triển. Ở bên ngoài, Chính phủ tạo những khuôn khổ và môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hội nhập. Chính phủ luôn đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng thành công sẽ chỉ đến với những doanh nghiệp nhận thức được cơ hội và nắm bắt được cơ hội.

Đưa ra khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng khi tham gia “sân chơi chung” AEC, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng: “Các doanh nghiệp cần phải hiểu Cộng đồng ASEAN là gì? Cơ hội là gì? Thách thức là gì?”

Theo Tổng thư ký ASEAN, những lao động lành nghề sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tuy nhiên, ông Lê Lương Minh cũng lưu ý rằng, ngoài tay nghề, một yêu cầu không thể thiếu đối với người lao động là khả năng ngoại ngữ.

Buổi Tọa đàm đã mang lại những ý tưởng mới cho sự tham gia của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam vào tiến trình AEC, đồng thời tạo thêm một kênh thông tin cho các cơ quan Chính phủ Việt Nam, góp phần giúp kiến tạo môi trường thuận lợi cho Việt Nam tiếp tục hội nhập thành công./.