Bản tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết: Mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh năm này là thảo luận về Cộng đồng Kinh tế ASEAN – khu vực có dân số 622 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội ước tính khoảng 2.500 tỷ USD.
Hài hòa chiến lược kinh tế
Để tăng trưởng kinh tế khu vực, cần phải đảm bảo sự lưu chuyển tự do hơn và loại bỏ các rào cản đối với tăng trưởng và đầu tư giữa các thành viên trong khu vực.
Các quốc gia đặt ra mục tiêu là hài hòa chiến lược kinh tế, công nhận trình độ chuyên môn của nhau, và tham vấn chặt chẽ hơn về các chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính.
Hài hòa chiến lược kinh tế là một trong những mục tiêu chính của AEC. |
Họ cũng đã nhất trí tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và thông tin liên lạc, tạo điều kiện tốt hơn cho giao dịch điện tử, kết hợp các ngành công nghiệp để thúc đẩy nguồn cung ứng khu vực và tăng cường sự tham gia của tư nhân trong nền kinh tế.
Mới đây, Ban Thư ký ASEAN đã phát hành tài liệu “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Tiến bộ và thành tựu”. Đây được coi là một tài liệu tham khảo toàn diện và nhanh chóng về AEC với việc giải thích ngắn gọn, đầy đủ nguồn gốc của AEC, những ý nghĩa của các khái niệm nói riêng và của cộng đồng nói chung, cũng như lộ trình, tiến độ và những lợi ích mà AEC mang lại.
Việc công bố tài liệu này nhằm mang lại nhận thức và hiểu biết về AEC, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan khi nhận ra những lợi ích tiềm năng của cộng đồng.
Tài liệu cung cấp một cái nhìn tổng quan về bối cảnh lịch sử của AEC cũng như việc hình thành AEC vào năm 2015; báo cáo về tiến độ hội nhập kinh tế ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch AEC vào năm 2015. Các câu chuyện thành công từ khắp nơi trong khu vực cũng đã được thu thập để minh họa các cơ hội từ AEC có thể mang lại cho các doanh nghiệp.
Tài liệu cũng dành một chương về tương lai, sau khi AEC được hình thành và khu vực sẽ tiếp tục cuộc hành trình hướng tới AEC vào năm 2025.
Trụ cột trong AEC
Bên cạnh đó, một Báo cáo Hội nhập ASEAN (AIR) 2015 cũng được công bố, trong đó đưa ra phân tích toàn diện về sự tiến bộ và những thành tựu, bao gồm cả việc đánh giá tác động, thực hiện AEC kể từ khi nó được thông qua vào năm 2007.
Hơn 90% các biện pháp ưu tiên trong AEC đã được thực hiện. |
Trong khi phục vụ như một nền tảng của một khung giám sát tăng cường cho AEC, tổng hợp định lượng và định tính được cung cấp trong AIR 2015 góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết giữa các nhà hoạch định chính sách ASEAN, các học giả, nhà nghiên cứu, cũng như công chúng nói chung về các khía cạnh quan trọng của hội nhập kinh tế ASEAN.
AIR 2015 tập trung vào việc thực hiện và tác động của các biện pháp trên 4 trụ cột của AEC, những thành tựu và thách thức trong quá trình này. AIR 2015 đã nêu rõ hội nhập kinh tế khu vực đang diễn ra năng động, đồng thời cho thấy việc thực hiện hiệu quả các cam kết khu vực đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia.
Cộng đồng kinh tế ASEAN dựa trên bốn trụ cột: tạo lập một thị trường và cơ sở sản xuất chung; nâng cao khả năng cạnh tranh; thúc đẩy sự phát triển kinh tế đồng đều; và tăng cường hội nhập ASEAN vào nền kinh tế toàn cầu.
Mục tiêu của cộng đồng là tạo điều kiện dòng chảy tự do về hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, lao động có tay nghề và tiền vốn. Hội nghị bộ trưởng kinh tế hồi tháng 8/2015 đã hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong thực thi kế hoạch xây dựng AEC, thông báo hơn 90% các biện pháp ưu tiên đã được thực hiện.
Một cộng đồng kinh tế sắp được nhất thể hóa của ASEAN dự kiến sẽ trở thành hiện thực vào cuối năm nay./.